Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua 18/11 đã có chuyến thăm Berlin để thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng nhiều bất đồng vẫn còn tồn tại.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua 18/11 đã có chuyến thăm Berlin để thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhưng nhiều bất đồng vẫn còn tồn tại.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng đưa ra những tuyên bố tích cực. Thủ tướng Cameron khẳng định hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc thảo luận rất tốt “giữa những người bạn với nhau” và hai bên đã đạt được đồng thuận về nhiều chủ đề như : tầm quan trọng của thị trường chung thống nhất ở châu Âu, sự cần thiết phải thắt chặt kỷ luật ngân sách hay các quốc gia thành viên phải kiểm soát nợ và tình trạng thâm hụt ngân sách của mình. Về ngân sách của châu Âu, hai nhà lãnh đạo Anh và Đức dường như cũng có chung ý kiến.
Thủ tướng Cameron nói: “Như Thủ tướng Đức đã nói, ngân sách của châu Âu phải gắn với tình trạng lạm phát. Việc Nghị viện châu Âu đề nghị tăng 5% ngân sách là không thể chấp nhận được trong bối cảnh mà tất cả các nước châu Âu phải đưa ra những quyết định khó khăn và phải cắt giảm ngân sách chi tiêu”.
Tuy nhiên, những câu nói tích cực vẫn không đủ để xóa đi những khác biệt quan điểm lớn giữa hai nước về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Chẳng hạn, trong khi Thủ tướng Cameron cho rằng khu vực đồng euro phải sử dụng tất cả các thể chế của mình để chống khủng hoảng, thì Thủ tướng Angela Merkel lại cho rằng nhiệm vụ này cần được giải quyết theo từng bước một nhằm trách gây ra sự thất vọng đối với các nhà đầu tư.
Một chủ đề được cả Pháp và Đức ủng hộ là việc đánh thuế các giao dịch tài chính cũng không nhận được sự hưởng ứng tích cực của Thủ tướng Anh Cameron bởi Anh lo ngại loại thuế này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường tài chính London.
Ngoài ra, Anh và Đức cũng không có tiếng nói chung về vai trò của Ngân hàng trung ương châu Âu: Anh mong muốn cơ quan này phải tham gia nhiều hơn việc giải quyết khủng hoảng, trong khi Đức lại muốn hạn chế sự can thiệp của Ngân hàng trung ương ương châu Âu đối với thị trường./.