Cầu treo dài nhất Indonesia sập như thế nào

08:34, 30/11/2011

"Tôi thấy cây cầu bỗng nghiêng đi và đổ sụp xuống. Tôi rơi xuống nước. Tôi không thể tin được là mình còn sống", một người sống sót trong vụ sập cây cầu treo dài nhất Indonesia kể lại.

Các nhân chứng thoát nạn trong vụ sập cầu trên đảo Borneo vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại những gì đã xảy ra.

 

Syakrani, một người lái xe tải 24 tuổi may mắn thoát chết, nói với AFP rằng anh ta nổi được trên mặt nước nhờ những chiếc thùng nhựa rỗng, trước khi được đội cứu hộ tìm thấy.

 

"Xe của tôi nằm trong số hàng chục chiếc bị ùn tắc trên cây cầu. Tôi ra khỏi xe để xem có chuyện gì xảy ra. Ngay sau đó, cây cầu nghiêng đi và rồi đổ sụp xuống", Syakran kể lại. "Tôi túm được những chiếc hộp nhựa để cầm cự dưới sông trước khi được cứu. Tôi không thể tin rằng mình còn sống. Nhiều người bạn của tôi hiện mất tích. Lẽ ra các quan chức nên cho đóng cửa cây cầu nếu nó đang được sửa chữa".

 

Adam Nur, một người sống sót khác ở độ tuổi 40, cho hay ông đã bơi 300 m để vào bờ sau khi thảm họa xảy ra. Lúc đó, Nur và 4 người bạn đang cùng đi trên một chiếc xe qua cây cầu Kutai Kartanegara.

 

"Tôi đang nhắn tin thì đột nhiên một thứ gì đó đập vào vai tôi, khiến tôi không thể cử động được tay trái. Nước nhanh chóng ngập đầy trong chiếc xe vì thế tôi buộc phải đập vỡ một cửa sổ để thoát ra ngoài. May mà tôi biết bơi", ông Nur kể. "Quyết tâm phải sống đã tiếp sức mạnh cho tôi khi ấy, dù tôi chỉ bơi với một tay. Tôi nghe nói rằng cả 4 người bạn của tôi đều an toàn".

 

Khi cầu Kutai Kartanegara sụp xuống, có rất nhiều du khách ở hai bên bờ dòng Mahakam và họ đã quay lại được cảnh tượng hãi hùng. Những người không bị mắc kẹt trong đống đổ nát cố gắng bơi vào bờ trong những tiếng la hét hoảng loạn. Họ may mắn hơn khoảng 30 người còn mất tích và ít nhất 12 người được xác nhận thiệt mạng.

 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono yêu cầu một cuộc điều tra về nguyên nhân vụ sập cầu. Indonesia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm qua, và ước tính sẽ đạt 6% trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư phàn nàn rằng cơ sở hạ tầng ở nước này không tương xứng với tốc độ tăng trưởng nói trên, một phần là do tình trạng tham nhũng và quan liêu.

 

"Khoảng 10 tới 20% tiền đầu tư cho các dự án bị dùng sai mục đích. Hậu quả là các công trình xây dựng có chất lượng rất thấp", Sri Adiningsih, chuyên gia kinh tế tại đại học Gadjah Mada ở Jogjakarta, nói.

 

Chính phủ Indonesia năm ngoái thông báo kế hoạch đầu tư 140 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cho tới năm 2014, hơn một nửa trong số này đến từ khối kinh tế tư nhân.

 

Vụ sập cầu treo Kutai Kartanegara không phải là sự kiện hy hữu ở Indonesia những năm qua. Tháng trước, một cây cầu ở tỉnh Nam Sumatra đã sụp xuống vì sức nặng của một chiếc xe tải chất đầy vật liệu xây dựng. Hồi tháng 9, hai công nhân thiệt mạng và 4 người bị thương khi một cây cầu đang trong quá trình xây dựng đổ sập cũng tại tỉnh Nam Sumatra. Cũng trên đảo Sumatra, 12 trẻ em thiệt mạng hồi tháng 10/2010 vì một cây cầu treo bị sập khi một lễ hội truyền thống đang được tổ chức để cầu may. Tháng 4/2009, một người chết và hai người bị thương sau khi một cây cầu đổ sập ở tỉnh Trung Kalimantan.