Hội nghị G20 “nóng” từ khi chưa khai mạc

08:04, 02/11/2011

Có ba vấn đề “nóng” gồm: Tăng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu, tiềm kiếm liều thuốc cho tăng trưởng bền vững và vấn đề cải cách giám sát tài chính.

Hai ngày nữa các nhà lãnh đạo và quan chức tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) mới tề tựu về Cannes, thành phố thơ mộng ở miền Nam nước Pháp nhằm tìm “lời giải” cho cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và châu Âu, vốn đang đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới. Hàng loạt vấn đề “nóng” đang đặt ra và cần có ý chí chính trị mạnh mẽ và quyết sách đúng đắn của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

 

Theo các nhà phân tích, có ba vấn đề “nóng” tại hội nghị G20 lần này, đó là tăng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu, tiềm kiếm liều thuốc cho tăng trưởng bền vững và vấn đề cải cách giám sát tài chính.

 

Trước thềm hội nghị G20, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) liên tục đến châu Á và các nền kinh tế mới nổi để triển khai chiến dịch vận động đầu tư vào Quỹ ổn định tài chính châu Âu.

 

Cuối tuần qua, Chủ tịch Quỹ này Claus Regling đã thăm Trung Quốc và Nhật Bản. EU còn có kế hoạch cử đoàn sang Brazil với mục đích thuyết phục các nền kinh tế lớn của thế giới tiếp tục mua trái phiếu châu Âu. Dự kiến, 40% trái phiếu của Quỹ ổn định tài chính châu Âu sẽ được bán cho các nhà đầu tư châu Á, song đây là điều không hề dễ.

 

Hiện tại, G20 đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu, thất nghiệp tăng cao, tài chính thắt chặt. Do vậy, việc G20 có thực thi các biện pháp đơn phương bảo vệ nền sản xuất trong nước hay không sẽ trở thành “khảo nghiệm” lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

 

Bên cạnh đó, từ hội nghị G20 diễn ra ở London (Anh) vào năm 2009 đến nay, cải cách giám sát tài chính luôn là vấn đề gây tranh cãi. Nội dung chủ yếu trong cải cách giám sát tài chính của G20 gồm việc nâng tỉ lệ vốn tối thiểu, lương thưởng của trong giới chức ngân hàng và việc quản lý các công cụ giao dịch tài chính phát sinh…Thế nhưng các nước đã không đạt được sự nhất trí về bước đi và tiêu chuẩn thực thi, khiến cho tiến trình cải cách không thể diễn ra thuận lợi.

 

Trước tình hình này, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, hai trong số các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng cho rằng đây là một vấn đề mang tính toàn cầu và kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 nỗ lực để “hóa giải”.

 

Trong khi cuộc chiến nhằm ngăn chặn một sự suy thoái toàn cầu mới sẽ là vấn đề nổi bật tại Hội nghị G-20 lần này, các nhà lãnh đạo những cường quốc hùng mạnh nhất thế giới cũng sẽ thảo luận về các vấn đề ngoại giao đang gây chia rẽ, trong đó có vấn đề công nhận nhà nước Palestine; cuộc khủng hoảng đang xảy ra tại Syria và cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với 5 cường quốc thế giới./.