Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc tại Pháp

07:56, 03/11/2011

- Diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang rối bời với căn bệnh nợ công đang lây lan, Hội nghị được đặt nhiều kỳ vọng có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ từ các nền kinh tế mới nổi

Ngày 3/11, tại thành phố Cannes (Pháp) khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20, với sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu đến từ 23 quốc gia và tổ chức quốc tế.

 

Diễn ra trong bối cảnh Châu Âu đang rối bời với căn bệnh nợ công đang lây lan, Hội nghị được đặt nhiều kỳ vọng có thể tìm ra giải pháp hỗ trợ từ các nền kinh tế mới nổi cho các con bệnh trong khu vực đồng euro.

 

Được biết, chi phí tổ chức hội nghị lần này lên tới khoảng 20 tỷ euro và hơn 3.000 phóng viên báo chí đã đăng ký đưa tin về sự kiện này. Riêng những con số đó đã đủ thể hiện tầm quan trọng và sự kỳ vọng đặt vào cuộc họp bàn của nhóm G20 - tập hợp quan trọng 7 nước công nghiệp lớn G7, Liên minh Châu Âu và 12 nền kinh tế mới nổi.

 

Ngoài ra, tham dự hội nghị không thể thiếu đại diện của các thể chế tài chính quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cùng một số nước bên ngoài được mời như Tây Ban Nha, Hà Lan.

 

Chủ đề của hội nghị G20 lần này cũng rất đa dạng, bởi các nền kinh tế mới nổi có vai trò được đánh giá cao, thậm chí có ý kiến cho là “quyết định” đối với các vấn đề kinh tế toàn cầu. Song dĩ nhiên, chủ đề lớn nhất và sẽ bao trùm hội nghị là cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu.

 

Trả lời phóng viên Đài TNVN thường trú tại Pháp, anh Trần Việt Hùng, Trưởng bộ phận quản lý rủi ro tại Quỹ đầu tư hàng đầu của Pháp Amundi khẳng định: Châu Âu chờ đợi nhiều vào hội nghị G20 lần này: Các nước Châu Âu rất kỳ vọng vào Hội nghị G20 này, để các đối tác đặc biệt các nền kinh tế mới nổi hiểu vấn đề và trợ giúp khi xảy ra khủng hoảng trong thời gian tới. Khủng hoảng Hy Lạp còn nhỏ, điều đáng lo ngại bây giờ là Tây Ban Nha và Italy vì đây là hai nền kinh tế lớn. Nợ của Hy Lạp là 350 tỷ euro. Khoản đó thì Quỹ bình ổn tài chính của Châu Âu có thể cáng đáng được. Trong khi Italy nợ đến 1.900 tỷ euro. Nếu Italy lâm vào khủng hoảng như Hy Lạp thì Châu Âu sẽ không cáng đáng được. Do đó Châu Âu mong muốn thông qua Hội nghị G20 này, các nước đối tác, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi sẽ có cam kết giúp đỡ Châu Âu bằng cách mua lại các trái phiếu chính phủ các nước Châu Âu trong thời gian tới, để Cộng đồng Châu Âu, IMF có khoản tiền lớn hơn để đối phó với khủng hoảng thời gian tới nhanh và hiệu quả hơn so với khủng hoảng của Hy Lạp.

 

Báo chí Pháp liên tục nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị tổ chức của Pháp - nước Chủ tịch G20 trong năm nay. Tuy nhiên, sự chuẩn bị từ phía các nhà lãnh đạo Châu Âu mới là điều đáng nói. Một loạt các cuộc gặp song phương, đa phương đã diễn ra vào ngày 2/11, trước thềm Hội nghị G20, với mục đích không có gì khác là thống nhất một quan điểm của Châu Âu về cách thức giải quyết khủng hoảng.

 

Hơn bao giờ hết, Châu Âu đang rối bời sau khi Hy Lạp tuyên bố tiến hành trưng cầu ý dân để quyết định có hay không thực hiện thỏa thuận chung Châu Âu về giảm nợ cho Hy Lạp - văn bản mà các nước thành viên đã phải vất vả lắm mới đạt được đồng thuận. Pháp và Đức tỏ thái độ cương quyết rằng không có phương án B cho vấn đề này.

 

Một ngày trước Hội nghị G20, lãnh đạo Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức và Giám đốc IMH đã có cuộc họp với lãnh đạo Hy Lạp để thúc giục nước này sớm thực hiện thỏa thuận chung mà hội nghị thượng đỉnh Châu Âu vừa thống nhất. Cũng ngày 2/11, Italy đã triệu tập cuộc họp Bộ trưởng khẩn cấp bàn về các biện pháp mới đối phó với sự leo thang của khủng hoảng nợ…

 

Kỳ vọng nhiều là vậy, nhưng một Châu Âu đang rối bời sẽ rất khó có thể thuyết phục các nước bên ngoài khu vực tích cực nhảy vào cuộc để giúp đỡ họ./.