Người đứng đầu ngành quốc phòng Israel tin rằng nước này có thể tấn công quân sự nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, với số thường dân thiệt mạng vì đòn trả đũa từ đối phương sẽ ít hơn 500 người.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak một lần nữa nói tới viễn cảnh của một hành động quân sự nhằm vào Iran, khi ông ám chỉ bóng gió rằng những chia rẽ trong cộng đồng quốc tế về việc áp dụng các lệnh cấm vận dành cho Iran đã quá đủ. Israel sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tự giải quyết các vấn đề liên quan tới Iran, Telegraph dẫn lời ông Barak cho hay.
Cựu thủ tướng Isarel cũng thừa nhận rằng cái giá phải trả cho các đợt không kích nhằm vào Iran sẽ rất đắt, bởi quốc gia Hồi giáo sẽ đáp trả bằng cách bắn các tên lửa tầm xa vào các thành phố của Israel, cũng như kích động các đồng minh như Hezbollah hay Hamas tham gia vào cuộc chiến tên lửa tại Israel.
Tuy nhiên, ông Barak cho rằng những thông tin về sự hủy hoại nghiêm trọng mà Israel phải đón nhận khi tấn công Iran là quá phóng đại. Bộ trưởng Quốc phòng Israel khẳng định nước ông có thể đối phó được với "đòn thù" từ đối phương.
"Không có cách nào để tránh được mọi tổn thất", ông Barak nói trong một cuộc phỏng vấn dài trên đài phat thanh Israel. "Điều này rõ ràng không dễ chịu chút nào. Thế nhưng, không có kịch bản nào cho thấy số thường dân Israel thiệt mạng vì đòn đáp trả có thể lên tới 50.000 hay thậm chí 5.000 người. Nếu tất cả người dân đều ở lại nhà của họ, tổn thất nhân mạng sẽ không tới 500 người".
Phát biểu của ông Barak được đưa ra sau khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEAE) đưa ra bản báo cáo mới nhất về các hoạt động hạt nhân của Iran. Trong đó, các thanh sát viên cho rằng quốc gia Hồi giáo vẫn tiếp tục nghiên cứu vũ khí hạt nhân và chưa bao giờ tiến gần tới việc chế tạo được một quả bom nguyên tử như hiện nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho rằng bản cáo của IAEA chính là một "cơ hội chín muồi" để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Iran bằng các lệnh cấm vận nghiêm khắc và thích đáng, nhằm buộc nước này chấm dứt tham vọng hạt nhân. Không chỉ đưa ra yêu cầu cộng đồng quốc tế có hành động nhằm vào lĩnh vực năng lượng sống còn của Iran, ông Barak còn kêu gọi một lệnh phong tỏa hàng hải để ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu mỏ.
Các thanh sát viên của IAEA tới Iran trong một chuyến công tác vào năm 2009.
Biện pháp kể trên chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế phụ thuộc vào ngành năng lượng của Iran. Mỹ cũng khẳng định sự quan tâm đối với tác động các biện pháp cấm vận Iran đối với giá dầu mỏ thế giới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rất dễ bị tổn thương.
Ông Barak tiên đoán rằng sự phản đối của Nga và Trung Quốc sẽ khiến việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí với các lệnh cấm vận mới dành cho Iran trở nên khó đạt được hơn, khiến Israel càng thấy rằng một hành động quân sự sẽ là lựa chọn duy nhất.
Những phát biểu của cựu thủ tướng Israel là diễn biến mới nhất trong một tuần lễ mà quốc gia Do Thái có những động thái thể hiện sự sẵn sàng đối với một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran. Tuy nhiên, điều này được coi là một nỗ lực nhằm gây sức ép với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc áp dụng những lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất với Iran, hơn là sự chuẩn bị cho một hành động quân sự tức thì.
Thế nhưng, những tuyên bố của Israel vẫn dấy lên tiếng chuông cảnh báo đối với nhiều nước trên thế giới. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho hay dù Pháp quan ngại sâu sắc về chương trình hạt nhân của Iran, nhưng nước này sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh những thiệt hại không thể cứu vãn được mà một hành động quân sự mang lại.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì khẳng định một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran sẽ là đại họa đối với khu vực Trung Đông. "Chúng ta nên bình tĩnh và tiếp tục trao đổi với tinh thần xây dựng về tất cả những vấn đề tại Trung Đông, bao gồm cả chương trình hạt nhân của Iran", ông Medvedev nói ngay trước khi tham gia hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Saint Petersburg. Iran là quan sát viên của SCO.
Giới chức Mỹ cho hay họ hy vọng rằng bản báo cáo của IAEA sẽ tạo thêm những cơ sở để áp dụng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Iran, thay vì một sức ép nhất thời để dẫn tới những cuộc không kích.
Trong nội các Israel, những người "chủ chiến" là thiểu số và được dẫn dắt chủ yếu bởi Bộ trưởng Quốc phòng Barak cũng như đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Israel cũng đồng ý với nhận định của ông Barak rằng bản báo cáo của IAEA là cơ hội để buộc Iran phải chấm dứt tham vọng hạt nhân. Tel Aviv tin rằng Iran dự định đưa phần lớn việc sản xuất hạt nhân xuống dưới mặt đất trong nhiều tháng tới. Sau khi Tehran làm được điều này, việc Israel phát động một hành động quân sự hiệu quả nhằm vào đối phương sẽ khó khăn hơn bao giờ hết.
Vấn đề hạt nhân của Iran luôn là một chủ đề nóng với cộng đồng quốc tế. Các nước phương Tây cho rằng chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo hướng tới việc chế tạo ra vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, Tehran luôn bác bỏ các cáo buộc và khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ vì mục đích hòa bình, đồng thời vẫn liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa trong suốt thời gian qua.