Ngay sau khi kết thúc Hội nghị APEC ở Hawaii, Tổng thống Mỹ Obama sẽ lên đường đi đến Australia và Indonesia.
Đây là chuyến đi thứ 3 của Tổng thống Mỹ đến châu Á kể từ khi nhậm chức. Tuy nhiên, chuyến hướng Đông lần này của Tổng thống Mỹ mang theo một thông điệp rõ ràng đó là Mỹ sẽ thay đổi chính sách đối ngoại, chuyển hướng tập trung và can dự mạnh mẽ hơn đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ các quan chức cấp cao của Mỹ lại nhấn mạnh đến vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như thời gian gần đây. Tại hầu hết các cuộc họp quốc tế cũng như trong nước, chủ đề về châu Á- Thái Bình Dương được các quan chức Mỹ liên tục đề cập đến và với tần suất ngày càng dày đặc hơn. Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách của Mỹ dự đoán rằng tương lai của Mỹ sẽ rộng mở hơn ở khu vực châu Á so với châu Âu. Sự chuyển hướng chiến lược này của Mỹ được Ngoại trưởng Hillary Cliton mô tả là thế kỷ mới giữa Mỹ và châu Á. Bà Hillary cho rằng đã đến lúc Mỹ phải định hình lại vị trí của mình trong bối cảnh mới của thế giới.
Mới đây phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế ở New York, bà Hillary cho biết: “Khi Mỹ đã kết thúc cuộc chiến tại Iraq và đưa binh sỹ về nước, thì đây là thời điểm chúng ta phải đưa ra một quyết định quan trọng. Trọng tâm chiến lược cũng như kinh tế đang chuyển đổi sang phía Đông, do đó Mỹ chuyển sang tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Chiến lược đó cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ L. Panetta thể hiện qua chuyến thăm đến Nhật Bản trong tháng 10 vừa qua. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định quan điểm tương tự khi nói về chiến lược quốc phòng của Mỹ tại Tokyo. Ông L. Panetta nói rằng Mỹ sẽ luôn thể hiện mình là một cường quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Ben Rhode, Phó cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Obama nhận định rằng chính quyền Mỹ trong thời gian vừa qua chưa tập trung thỏa đáng cho khu vực châu Á và ông Ben Rhode có cùng quan điểm với Ngoại trưởng Mỹ Hillary: “Vào thời điểm mà Mỹ kết thúc cuộc chiến tại Iraq và thu hẹp qui mô ở Afghanistan thì Mỹ hiện bố trí lại các nỗ lực ngoại giao của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho Mỹ định hướng lại sự tập trung về mặt chính trị cũng như an ninh đối với khu vực châu Á”.
Đó cũng là thông điệp được Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa khẳng định tại các cuộc họp đa phương cũng như song phương với các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị APEC tại Hawaii. Tổng thống Mỹ Obama đã cam kết một kỷ nguyên mới của Mỹ đối với khu vực châu Á và coi châu Á là một khu vực giúp Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu của mình vào năm 2015, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ đồng thời thúc đẩy kinh tế của Mỹ phát triển.
Đây thực sự là một vấn đề quan trọng đối với Mỹ đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang hồi phục chậm và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức cao trên 9%. Các nhà phân tích chính nhận định rằng, trước đây trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ luôn đặt tại khu vực châu Âu, nhưng do hiện nay khu vực này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng, trong khi đó châu Á - Thái Bình Dương lại đang phát triển mạnh, do vậy Mỹ không có cách nào khác là buộc phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình. Đó là chưa kể đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong thời gian gần đây, cũng là một lý do quan trọng khiến Mỹ không thể bỏ qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.