Châu Âu trước cơn suy thoái

15:02, 01/12/2011

Thêm một cuộc họp nữa của các nhà lãnh đạo châu Âu để bàn thảo phương án chống cơn giông tố nợ công đang bao trùm Lục địa già kết thúc mà không đạt được kết quả gì.

Tuyên bố chưa thể tìm thấy sự đồng thuận trong việc tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) hiện ở mức 440 tỷ euro lên 1.000 tỷ euro từ các Bộ trưởng Tài chính khu vực sau cuộc gặp tại Brussel ngày 29-11 khẳng định cuộc khủng hoảng nợ công tại các nước riêng lẻ đang đẩy châu lục này vào suy thoái.


Đây là dấu hiệu buồn cho mùa Giáng sinh đang về và có thể gây cú nổ tài chính lớn giữa hai bờ Đại Tây Dương. Nhận thức được vai trò cứu sinh quan trọng của EFSF; đồng thời thừa nhận thất bại trong mục tiêu 1.000 tỷ euro - quy mô từ 500 đến 700 tỷ euro dự kiến của quỹ không đủ để cứu cả Tây Ban Nha và Italia đã trong cơn nguy biến - của các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy một châu Âu chưa tạo được công cụ cần thiết để ngăn cuộc khủng hoảng nợ đang tác động hằng ngày đến từng quốc gia trong khu vực. Vượt lên các cuộc hội họp liên miên từ Brussel đến Berlin là mối lo ngại về sự sống còn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao chưa từng thấy.

 

Sự ra đi trong bất lực của một vài chính phủ châu Âu vì rắc rối công nợ, các tranh cãi về đóng góp ngân quỹ "cứu nợ" của từng quốc gia, nguy cơ phải thay đổi văn bản pháp lý của cả liên minh tiền tệ hiện có để ứng phó với diễn biến tài chính chưa từng có tiền lệ... đang biến nhận định về một cuộc suy thoái sâu tại châu Âu đến gần hơn. Thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng Eurozone đã rơi vào suy thoái nhẹ, với tăng trưởng năm nay dự báo ở 1,6% và chỉ đạt 0,2% trong năm 2012 và đạt mức 1,4% năm 2013 đã tạo cú sốc mới làm nhịp đập yếu ớt của nền kinh tế toàn cầu như chững lại. Trong bối cảnh đó, cảnh báo từ Moody's sẽ hạ xếp hạng tín dụng trái phiếu của tất cả các nước châu Âu dù chẳng gây ngạc nhiên nhưng tiếp tục hiện thực hóa chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, rằng tình hình châu Âu đang nghiêm trọng hơn bất cứ thời điểm nào trong suốt 18 tháng qua.

 

Cho đến hiện tại, đã có rất nhiều chỉ trích cho rằng sự thiếu thống nhất của châu Âu trong chính sách cũng như năng lực ứng phó với khủng hoảng đã trở thành một nguyên nhân khiến mớ bòng bong nợ nần chẳng những không được thu hẹp mà còn phình to hơn. Không thể phủ nhận được sự khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia đầu tàu, đặc biệt là Đức, trong cách thức giải quyết nợ nần đã đẩy châu Âu vào bế tắc giải pháp. Nhưng cũng phải thấy rằng, Lục địa già chưa từng đối mặt với một thảm họa tương tự trong quá khứ và việc có thể tìm ngay được một đường đi trong cơn đổ vỡ là không hề đơn giản. Đó là chưa kể đến việc dự án đồng tiền chung cho cả 27 quốc gia vốn có khoảng cách phát triển khá xa nhau bản thân nó đã có những điểm yếu chết người. Làm cách nào để lấy được tiền từ nhóm nước đang sở hữu để đem đến cho những quốc gia cần nó gồm: Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và thậm chí không loại trừ Pháp chưa từng được tính đến khi liên minh tiền tệ lớn nhất thế giới ra đời.

 

Thế nhưng, chắc chắn rằng sau đúng một năm rưỡi chạy đôn chạy đáo với gánh nợ chồng chất, một bài học đã rõ ràng là từng hành động, kế hoạch rời rạc không thể cứu vãn được đồng euro với nguy cơ sụp đổ đã hiển hiện trước mắt. Thống nhất áp dụng thêm các biện pháp mới, kể cả hạ giá đồng euro để nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng gây suy thoái là đơn thuốc đã được một số nhà kinh tế đưa ra cho "bệnh nhân" châu Âu. Song, với những diễn biến đang không ngừng xấu đi, một cú vượt thoát nhanh chóng cho Cựu lục địa vào lúc này là không thể. Kịch bản có hậu nhất cũng chỉ là làm sao để con sóng suy thoái đã hình thành không nhấn chìm phần quan trọng này của nền kinh tế thế giới, kéo theo những hệ lụy khôn lường.