Các nền kinh tế phát triển đang trên bờ của sự suy thoái vì 4 yếu tố, trong đó có tình trạng nợ công trầm trọng, hệ thống ngân hàng mong manh.
Các chuyên gia kinh tế của Liên Hợp Quốc đã cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm tới và cảnh báo rằng năm 2012 sẽ là năm quan trọng để quyết định liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hay sẽ rơi vào suy thoái.
Trong bản báo cáo Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng năm 2012, các nhà kinh dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm tới là rất thấp và cảnh báo rằng các nền kinh tế phát triển đang trên bờ của sự suy thoái vì 4 yếu tố: Tình trạng nợ công trầm trọng, hệ thống ngân hàng mong manh, nhu cầu gắn kết lỏng lẻo và bị tê liệt trong chính sách.
Giám đốc Phát triển và Phân tích chính sách của Liên Hợp Quốc Rob Vos còn cảnh báo rằng thế giới có thể phải đối mặt với một đợt suy thoái kinh tế mới, mặc dù các đường cơ sở hiện nay vẫn cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể xoay sở được trong vòng 2 năm tới, nhưng với điều kiện khủng hoảng nợ công ở châu Âu được kiềm chế và các vấn đề trong nền kinh tế Mỹ không trở nên tồi tệ hơn.
Hiện IMF đã khuyến nghị thế giới áp dụng biện pháp thắt lưng buộc bụng về tài chính, tuy nhiên các chuyên gia cao cấp của LHQ lại tỏ ra thận trọng về phương pháp này vì cho rằng nó làm cho tình trạng suy thoái kinh tế trên toàn thế giới trở nên tồi tệ hơn.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu không có một hành động tập thể để hồi phục kinh tế thì tình hình có thể sẽ xấu đi nhiều đặc biệt ở Châu Âu nơi cuộc khủng hoảng nợ đang lây lan rất nhanh.
Theo LHQ, việc tăng cường Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ có tác đụng đối với các nền kinh tế sử dụng đồng Euro vốn đang gặp khó khăn, nếu Quỹ này có thể giảm các chi phí vay vốn thì nó sẽ giúp giảm áp lực lên các chính phủ.
Báo cáo của LHQ cũng chỉ ra rằng hiện các chính trị gia đang phải gánh chịu áp lực rất lớn trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Báo cáo của LHQ dự báo rằng tình trạng thất nghiệp cao ở Mỹ tiếp tục ở mức cao. Tại châu Á, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh, tuy nhiên tăng trưởng GDP của Trung Quốc cũng sẽ chậm dần.
Tại khu vực Mỹ Latin suy thoái kinh tế ở Brazil, và Mexico sẽ trở nên rõ ràng hơn. Khu vực Châu phi tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố chính trị và thời tiết hơn là chịu ảnh hưởng từ phản ứng của thị trường thế giới./.