Nếu Hạ viện và Thượng viện Mỹ không thống nhất thì mức nợ công sẽ tự động tăng từ 15.200 tỷ USD hiện nay lên 16.400 tỷ USD.
Ngày 30/12, Chính phủ Mỹ quyết định hoãn trình đề nghị nâng mức trần nợ công thêm 1.200 tỷ USD sau khi các nhà lãnh đạo Quốc hội phản đối với lý do khung thời gian mà chính phủ Mỹ đưa ra sẽ gây khó khăn cho các nghị sĩ trong việc bỏ phiếu. Chính phủ Mỹ khẳng định, việc trì hoãn trên sẽ không ảnh hưởng đến khả năng tín dụng của nước Mỹ.
Theo kế hoạch, Chính phủ Mỹ dự định đưa ra, Quốc hội có 15 ngày để quyết định đồng ý hoặc không đồng ý với đề xuất nâng mức trần nợ công. Nếu sau thời hạn đó mà Quốc hội không ra được quyết định thì mức trần nợ công của Mỹ sẽ tự động tăng từ 15.200 tỷ USD hiện nay lên 16.400 tỷ USD.
Trước đó, ngày 27/12, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ trình đề xuất tăng mức trần nợ công lên Quốc hội vào ngày 30/12. Tuy nhiên, thời hạn Chính phủ Mỹ đưa ra gần như không thể thực hiện được vì Hạ viện nghỉ làm việc tới ngày 17/1 và Thượng viện nghỉ tới ngày 23/1. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Quốc hội đã yêu cầu Nhà Trắng hoãn đệ trình kế hoạch một vài ngày để cho phép cả hai viện có cơ hội bỏ phiếu sau kỳ nghỉ đông.
Phó Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Obama đã chấp thuận yêu cầu trên của Quốc hội và hai bên đang thảo luận để đưa ra thời gian biểu tốt nhất cho việc đệ trình đề xuất về mức trần nợ công.
Cũng trong ngày 30/12, Bộ Tài chính Mỹ dự báo nợ công của Mỹ chỉ còn cách mức trần nợ chưa đầy 100 tỷ USD. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng Bộ Tài chính có cách tính toán nợ khác để đảm bảo không bị vỡ nợ cho đến khi mức trần nợ công được nâng lên./.