Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tại Nhà Trắng ngày 12-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài gần 9 năm qua tại Iraq, nhưng tiếp tục cam kết duy trì an ninh và hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực dầu khí cho xứ sở này.
Từ nay đến cuối tháng, lực lượng Mỹ còn lại tại Iraq sẽ chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh cho 900.000 người thuộc lực lượng an ninh Iraq. Mỹ sẽ chỉ để lại 150 quân nhân và 763 nhân viên dân sự, làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và cung cấp tin tức tình báo cho các lực lượng của nước này. Tổng số lính Mỹ từng tham chiến tại Iraq gần 9 năm qua khoảng 1 triệu người, lúc cao điểm nhất vào năm 2007 có đến 170.000 lính Mỹ đồn trú. Việc rút quân sẽ kết thúc cuộc chiến khiến gần 4.500 quân nhân Mỹ thiệt mạng, gần 32.000 lính bị thương và hàng trăm tỷ USD bị tiêu tốn. Nước Mỹ đã hoàn thành "sứ mệnh" tại Iraq, nhưng giờ đây một mối lo ngại khác lại dấy lên. Đó là liệu hòa bình có trở lại với đất nước dầu mỏ này sau khi Mỹ rút hết quân?
Nhân dân Iraq dù vui mừng vì cuộc chiến kết thúc, nhưng họ lại phải đối mặt với hậu quả của cuộc chiến có khi còn khốc liệt hơn nhiều. Bởi lẽ, họ biết rõ rằng chấm dứt sự hiện diện của lính Mỹ không có nghĩa là kết thúc chiến tranh trên mảnh đất này. Sự chiếm đóng của Mỹ đã gây mất ổn định đất nước và tạo cơ hội cho tham nhũng nảy nở trong giới quan chức Iraq. Các quyền dân chủ và tự do, phụ thuộc nhiều vào quân đội và các cơ quan an ninh đang nổi lên từ các lực lượng vũ trang tôn giáo. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo chính quyền ở Iraq cố giữ khoảng cách với Washington, đất nước này vẫn rất chậm chạp trong việc tái thiết sau nhiều năm bạo lực dữ dội. Trong khi đó, bạo động diễn ra khắp Trung Đông khiến hệ thống chính trị nước này luôn chịu áp lực trước những bế tắc vì sự chia rẽ sâu sắc về tôn giáo và dân tộc. Iraq vẫn phải gánh chịu những cuộc tấn công hằng ngày do lực lượng nổi loạn kết hợp với nhóm Al-Qaeda và từ phía các giáo sĩ dòng Shiite. Do đó, tình hình Iraq sau khi vắng mặt binh sĩ Mỹ sẽ tiếp tục phức tạp và Washington khó có thể yên tâm trước một khoảng trống an ninh ở quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng này. Chắc chắn nỗi bất ổn, đánh bom khủng bố, xung đột sắc tộc và tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái chính trị… là viễn cảnh khó thay đổi dành cho đất nước Iraq những ngày tới.
Đã gần 9 năm diễn ra một cuộc chiến mà người Mỹ không nghĩ sẽ phải kéo dài đến vậy để đạt được những mục tiêu đề ra là lật đổ chế độ Saddam Hussein; tiêu diệt các lực lượng khủng bố; thiết lập nền dân chủ mới… Nhưng mục tiêu duy nhất đạt được chỉ là bắt giữ, xét xử và hành quyết Tổng thống Saddam Hussein và người Mỹ cũng nhận ra đã đến lúc nước Mỹ không thể kéo dài hơn nữa cuộc chiến hao người, tốn của này. Hơn thế, cuộc chiến kéo dài trên lãnh địa Hồi giáo đã hủy hoại hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới cùng chi phí khổng lồ cho quân sự đã góp phần đẩy ngân sách của đất nước đến bờ vực thẳm. Vì vậy, rút quân khỏi Iraq là cách Tổng thống B.Obama "lấy điểm" với cử tri Mỹ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới, khi sự kiện rút quân được sử dụng để ca ngợi sự hy sinh của quân đội và nhắc nhở đất nước về một cuộc chiến không được nhiều người ủng hộ đã kết thúc.
Như Tổng thống B.Obama tuyên bố sau hội đàm với Thủ tướng Nouri al-Maliki, ngày 12-12 rằng, "từ hôm nay một nước Iraq mới sẽ tự quyết định số phận của mình" thì rõ ràng dẫu bi quan, Iraq cũng phải chấp nhận một sự thật là sẽ còn phải mất thêm nhiều thời gian để cuộc chiến ở đây thật sự chấm dứt.