Pháp-Đức đồng thuận về một Hiệp ước châu Âu mới

08:39, 06/12/2011

Hiệp ước mới có thể được đưa ra vào tháng 3 năm 2012 và sẽ được thông qua ngay sau các cuộc bầu cử Tổng thống và cơ quan lập pháp tại Pháp vào mùa hè 2012

Chỉ 4 ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và vài ngày sau khi có các phát biểu quan trọng về giải pháp cho khủng hoảng, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức ngày 5/12 đã có cuộc trao đổi để tìm kiếm sự đồng thuận trong nhiều quan điểm còn khác nhau trong một bữa ăn thân mật. Kết quả là lãnh đạo hai nền kinh tế trụ cột khu vực đã đạt được nhất trí về một hiệp ước châu Âu mới.

 

Theo sự nhất trí của hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức, cần có một hiệp ước châu Âu mới giữa 27 thành viên EU, nếu không là giữa 17 nền kinh tế thành viên khu vực sử dụng đồng Euro. Hiệp ước mới có thể được đưa ra vào tháng 3 năm 2012 và sẽ được thông qua ngay sau các cuộc bầu cử Tổng thống và cơ quan lập pháp tại Pháp vào mùa hè 2012.

 

Để tránh nguy cơ một nước thành viên nào đó có thể làm ngưng trệ tiến trình thông qua, hiệp ước có thể được thông qua với đa số ủng hộ là 85%, chứ không cần phải đạt được đa số tuyệt đối.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Pháp Sarkozy nêu rõ: “Chúng tôi muốn chắc chắn rằng những gì dẫn tới tình hình nghiêm trọng hiện nay tại châu Âu sẽ không bao giờ lặp lại. Đó là quyết tâm của lãnh đạo chính phủ Pháp và Đức. Và để đạt được mục tiêu đó, hai nước cùng ủng hộ một Hiệp ước châu Âu mới. Mục đích tốt nhất là có được sự tham gia của cả 27 nước thành viên EU, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận một kịch bản chỉ có 17 nước tham gia và hiệp ước mới mở rộng với tất cả các nước thành viên trong khu vực”.

 

Ngoài ra, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cũng đạt được nhất trí về nhiều biện pháp khác để giải quyết khủng hoảng, như áp dụng các biện pháp trừng phạt tự động trong trường hợp một nền kinh tế nào đó trong khu vực sử dụng đồng Euro vi phạm quy định thâm hụt ngân sách công quá 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nước trong khu vực đồng tiền chung phải cùng áp dụng một quy định vàng về cân bằng ngân sách và Tòa án công lý EU sẽ có chức năng giám sát việc thực hiện nguyên tắc vàng này.

 

Ngoài ra, ông Sarkozy và bà Angela Merkel cũng nhất trí sẽ thúc đẩy cơ chế ổn định châu Âu có hiệu lực vào năm tới 2012 thay vì năm 2013 như kế hoạch ban đầu.

 

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 4/12, Ủy ban châu Âu đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch chống khủng hoảng do Thủ tướng mới của Italy Mario Monti đưa ra, cho rằng những biện pháp trong kế hoạch đó là “đúng hướng”. Kế hoạch mới của Chính phủ Italy đòi hỏi những hy sinh lớn từ phía người dân nước này, với những biện pháp thắt lưng buộc bụng khắt khe, trong đó nặng nề nhất là nhằm vào chế độ hưu trí. Kế hoạch đặt mục tiêu tiết kiệm cho Italy khoảng 20 tỷ Euro từ nay đến năm 2014, nhưng cũng sẽ dành đầu tư 10 tỷ Euro cho thúc đẩy tăng trưởng./.