Năm 2010 không hề yên bình đối với “đất nước nụ cười” nhưng cũng mở ra nhiều hy vọng cho năm tới.
Năm 2010 mở đầu với cuộc đại biểu tình của những người Áo đỏ, thành viên Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD), khởi đầu vào tháng 3 từ Bangkok và có những lúc đã lan ra hơn nửa nước Thái.
Chiếm những vị trí trọng yếu ở thủ đô, số người Áo đỏ lúc cao điểm lên tới hơn 100.000 người, đủ để “nhuộm đỏ” một phần Bangkok.
Ngày 7/4, sự hỗn loạn phát sinh sau những hoạt động khiêu khích của phe Áo đỏ buộc Thủ tướng Abhisit phải tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và sau đó là 23 tỉnh thành, văn bản luật mà về bản chất là trao cho quân đội quyền kiểm soát an ninh thay cho cảnh sát.
Cũng từ thời điểm này, hàng loạt sự kiện đẫm máu nối tiếp nhau diễn ra mà đỉnh điểm là cuộc giao tranh giữa quân đội và người biểu tình tại ngã tư Khok Wua ngày 10/4 và chiến dịch giải tán biểu tình Áo đỏ ở ngã tư Ratchaprasong ngày 19/5.
Hình ảnh những xác người đẫm máu cuốn vải trắng tại chùa Pathum Wanaram hay trung tâm mua sắm Central World cháy rừng rực trong biển lửa chắc chắn sẽ in sâu mãi mãi trong tâm trí người Thái.
91 người chết, gần 2.000 người bị thương, chia rẽ xã hội gia tăng, là cái giá quá đắt mà Thái Lan phải trả cho một cuộc đấu tranh chính trị.
Năm 2010 cũng là năm đất nước Thái bị thiệt hại nặng nề vì lũ lụt. Khởi đầu từ giữa tháng 10, quét qua khắp gần 30 tỉnh thành Đông Bắc, Trung và Nam, đợt lụt lớn nhất trong lịch sử này đã cướp đi sinh mạng của trên 250 người, gây thiệt hại kinh tế hơn 3 tỷ USD.
Cực Nam tiếp tục là điểm nóng của nước Thái. Các tổ chức cực đoan Hồi giáo liên tục gây ra các vụ bạo lực để vừa khủng bố tinh thần dân chúng theo đạo Phật, quan chức địa phương, vừa gây bất ổn tạo cớ đòi ly khai.
Trước những biến động phức tạp, có thể nói Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã nổi lên như một người cầm lái mềm mỏng nhưng kiên quyết, ít bị phụ thuộc vào lợi ích phe phái.
Thời điểm đầu năm, trong bối cảnh thủ đô loạn vì biểu tình, bạo lực, trước những yêu sách đòi giải tán Hạ viện ngay lập tức, Thủ tướng Abhisit đưa ra đề nghị hoà hợp dân tộc, trong đó toát lên một ý: khi các bên trong chính trường Thái thay đổi, đạt được một số tiêu chuẩn, ông sẽ ngay lập tức giải tán Hạ viện, tổ chức bầu cử sớm.
Sự vững vàng trong lập trường đã giúp Thủ tướng Thái Lan chèo chống Chính phủ đi qua "giông tố" trong năm 2010
Đề nghị của Thủ tướng Abhisit được đưa ra có thể coi là hợp lý và kịp thời, vừa khẳng định ông không tham quyền cố vị vừa đảm bảo sự tồn tại của Chính phủ và được dân chúng ủng hộ.
Vai trò của Thủ tướng Abhisit được nâng cao nhất thời kỳ hậu biểu tình Áo đỏ. Dưới sự chỉ đạo của ông, nền kinh tế Thái năm nay phát triển rực rỡ. Kinh tế năm 2010 tăng trưởng 7,9% (một tỷ lệ cao ngay cả thời kỳ trước khủng hoảng), xuất khẩu tăng 28% và đáng nể là du lịch, bất chấp những hỗn loạn vẫn đạt 15,8 triệu lượt.
Với cực Nam, Thủ tướng Abhisit kiên quyết chính sách “chính trị đi trước quân sự”. 7 huyện thuộc 4 tỉnh cực Nam Yala, Pattani, Narathiwat, Songkhla đã và sẽ được dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ban bố năm 2004, lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ ở khu vực này.
Trên chính trường, không chỉ khắc chế được phe đối lập, Thủ tướng Abhisit, với tư cách Chủ tịch Đảng Dân chủ nòng cốt, đã giải quyết khá ổn thoả bài toán lợi ích cho các đảng trong liên minh cầm quyền và cùng với sự ủng hộ lớn của quân đội, Hoàng gia, Chính phủ, 5 đảng của ông đã đứng vững, cán mốc 2 năm cầm quyền trong tháng 12 này.
Năm 2011 sẽ diễn ra một sự kiện lớn trong đời sống chính trị Thái Lan. Đó là cuộc bầu cử Hạ viện kèm theo đó là một chính phủ mới được lập ra. Tuy chưa có mốc thời gian cụ thể nhưng như mọi lần, người dân Thái Lan lại hy vọng về một sự ổn định về xã hội, phát triển về kinh tế, có được qua cuộc bầu cử này.
Chọn ai, chọn đảng nào sẽ là câu hỏi quan trọng đối với mỗi cử tri. Những biến động chính trị trong năm 2010 đã để lại nhiều điều thật sâu sắc cho họ. Thế nhưng, chân lý đã và vẫn sẽ là “sự ổn định”./.