Nợ nần, trì trệ, lạm phát... gần như đã chế ngự toàn bộ không gian kinh tế thế giới trong năm 2011. Cùng với những biến cố hiếm có trên quy mô toàn cầu suốt gần một năm qua, những thị trường nhạy cảm như vàng và năng lượng cũng đã trải qua những ngày bùng nổ và thăng trầm đáng nhớ.
Cách đây không lâu, nỗi sợ hãi từ cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu bao trùm thế giới đã khiến giá vàng liên tiếp lập những kỷ lục chưa từng thấy trong lịch sử kim loại quý. Sự hấp dẫn của vàng đã tạo nên một cơn sốt trong giới đầu tư khắp hành tinh. Ở khắp nơi, những phiên giao dịch của vàng là đề tài thường trực và giành được nhiều sự dõi theo nhất khi được nhìn nhận là bến đỗ an toàn cho các dòng vốn trước triển vọng mong manh của nền kinh tế. Đã có những nhận định về đỉnh cao 2.000 USD/ounce hoặc hơn thế nữa trong ngắn hạn khi giá vàng có lúc phá ngưỡng 1.923,7 USD/ounce hôm 6-9 năm nay. Thế nhưng, những quan ngại về nguy cơ bong bóng vàng có vẻ đã thức tỉnh các nhà đầu tư khỏi cơn say. Cho dù cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ ở Châu Âu vẫn là tâm điểm của những nỗ lực giải cứu từ các lãnh đạo châu lục và thế giới, giá vàng đã dần thoái lui với những chuỗi giao dịch khá phẳng lặng vài tháng trở lại đây.
Không phá vỡ được quy luật khối lượng giao dịch thường thấp về cuối năm, giá vàng được xem là đang đối diện với nhiều áp lực khi trở thành tài sản để các quỹ bán ra nhằm bù lỗ cho việc kinh doanh thất bát ở nhiều thị trường khác, đặc biệt là chứng khoán sau một năm làm ăn lành ít dữ nhiều. Nhu cầu về một bản quyết toán tài chính sạch sẽ của nhiều tổ chức và công ty khi năm cũ sắp khép lại là một nguyên nhân khiến vàng rớt giá với tốc độ nhanh khi các mức hỗ trợ quan trọng 1.700 USD, 1.650 USD, 1.600 USD lần lượt bị chọc thủng chỉ trong vài ngày qua. Với mức giao dịch 1.577 USD/ounce trong ngày 15-12, một số chuyên gia cho rằng xu hướng giảm gần 20% so với mức đỉnh hồi tháng 9 của giá vàng có thể còn tiếp tục trong những ngày tới. Khả năng kim loại quý còn lùi sâu hơn nữa cho đến những ngày cuối cùng của năm là hoàn toàn có thể xảy ra do chưa thấy những động thái tích cực nào có thể hỗ trợ cho sự đột phá của giá vàng trong thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, tiên lượng ngắn hạn này cũng không có nghĩa là thị trường kim loại quý mất đi triển vọng trong năm sau. Ngược lại, nhiều phân tích cho rằng giá vàng tương đối thấp như đang duy trì chính là cơ hội cho những nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt ở những thị trường "xính" vàng như Trung Quốc hay Ấn Độ. Giá kim loại quý hoàn toàn vẫn còn nhiều khả năng bứt phá trong năm 2012 khi nền kinh tế thế giới chắc chắn vẫn chưa thoát khỏi tác động từ những cơn địa chấn tài chính của năm 2011.
Trái với nhận xét khá lạc quan về giá vàng năm tới, thị trường dầu mỏ vốn đã trầm lắng trong suốt những tháng qua được dự báo sẽ không mấy khả quan khi thế giới bước sang năm 2012. Vẫn với những nguyên nhân cũ, gánh nặng nợ nần tại các quốc gia Châu Âu, sự trì trệ của những nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản hay tăng trưởng chậm chạp hơn ở các quốc gia khát năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ... là những điểm tối bất ổn cho thị trường dầu mỏ năm sau. Những thách thức đã được nhận diện nhưng chưa thể cải thiện của nền kinh tế gây ảnh hưởng đến mức sử dụng nhiên liệu toàn cầu đã đưa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tới quyết định hạ mức dự báo mức tiêu thụ dầu thô thế giới từ 89,1 triệu thùng/ngày xuống 88,87 triệu thùng/ngày trong năm 2012.
Như vậy, trước những thông tin không nhiều khả quan từ nền kinh tế, mức giá 95,57 USD/thùng được xác lập ngày 15-12 được cho là còn có thể đi xuống trong những ngày tới. Để giá dầu thô không rớt mạnh hơn nữa sau thỏa thuận thống nhất đặt hạn ngạch sản xuất trong OPEC ở mức 30 triệu thùng/ngày so với 24,845 triệu thùng/ngày được duy trì từ cuối năm 2008, lãnh đạo tổ chức chiếm 40% nguồn cung dầu thế giới đã yêu cầu một số thành viên không tiếp tục sản xuất quá hạn ngạch.
Mặc dù vậy, phải thấy rằng những yếu huyệt công nợ, suy thoái, giảm tăng trưởng... có thể đưa kinh tế thế giới đứng trước một năm giông tố nữa. Như thế, thị trường toàn cầu sẽ đặc biệt bị chi phối bởi những rủi ro từ nền kinh tế vĩ mô. Sẽ chẳng có một chỗ trú chân nào thực sự an toàn trong những dòng chảy nhiều hỗn loạn của nền kinh tế. Và như một hệ quả tất yếu, những hàn thử biểu quan trọng như vàng và dầu mỏ đương nhiên không thể đứng ngoài vòng xoáy biến động đó.