10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2011

08:33, 01/01/2012

Năm 2011 đã khép lại với những biến cố chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, để lại những tác động nghiêm trọng đến nhiều quốc gia cũng như làm thay đổi bàn cờ chính trị, kinh tế thế giới.

Biến động chính trị-xã hội ở Bắc Phi-Trung Đông

 

Châm ngòi từ một sự kiện tại Tunisia, chỉ trong vòng 100 ngày, làn sóng biểu tình với tên gọi "Mùa xuân Arab" đã lan rộng sang gần như tất cả 22 nước Arab. Cơn địa chấn chính trị - xã hội này đã khiến một loạt chính phủ ở Tunisia, Ai Cập, Yemen tồn tại hàng chục năm bị sụp đổ, thay đổi hoàn toàn diện mạo chính trị ở các nước này. Đặc biệt, từ ngày 19-3 đến 31-10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai chiến dịch không kích Libya, giúp Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya lật đổ chế độ và giết hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

 
 

Thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản

 

Không phải là trận động đất, sóng thần lớn nhất trong lịch sử, nhưng cơn thiên tai bất ngờ vào ngày đen tối 11-3-2011 được đánh giá là gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản. Tàn phá nặng nề nhiều khu vực ở Đông bắc và gây nên cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài tại Nhà máy Điện Fukushima số 1, thảm họa kép đã cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người, khiến hơn 8.000 người mất tích và thiệt hại vật chất ước tính lên tới 300 tỷ USD. Biến cố cũng là nguyên nhân buộc cựu Thủ tướng Naoto Kan từ chức hồi tháng 8-2011.

 
 

Trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt

 

Ngày 1-5-2011, trùm khủng bố Osama Bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới Al-Qaeda, chủ mưu vụ tấn công khủng bố nước Mỹ ngày 11-9-2001, đã bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ đột kích, tiêu diệt tại Pakistan. Cái chết này đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi động và chấm dứt chính sách đối ngoại tập trung chống chủ nghĩa khủng bố của Mỹ kéo dài một thập kỷ qua. Tuy nhiên, vụ tấn công đã tạo ra những rạn nứt đáng kể mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan.

 

 

 

Lũ lụt tại Thái Lan

 

Từ cuối tháng 7 và kéo dài tới gần 4 tháng sau đó, trận lũ lụt lịch sử nhấn chìm 2/3 đất nước Chùa vàng thậm chí đã lan tới thủ đô Bangkok và trong nhiều ngày liên tiếp đe dọa những khu vực quan trọng nhất của trung tâm kinh tế, chính trị Thái Lan. Lũ lụt đã khiến gần 500 người thiệt mạng, 2,3 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 5,1 tỷ USD và kéo tụt hơn 1% tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á năm 2011; đồng thời gây không ít sóng gió cho chính phủ còn non trẻ của nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra.


 

Xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình

 

Có vị trí quan trọng trên bản đồ địa-chính trị, địa kinh tế của khu vực và thế giới, những nỗ lực giảm căng thẳng trên biển Đông với vai trò quan trọng và chủ động của ASEAN đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí giải quyết tranh chấp trên biển Đông theo tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) là cơ sở để tin tưởng biển Đông sẽ trở thành một vùng biển ổn định, hòa bình và phát triển.

 

"Căn bệnh" nợ công Châu Âu

 

Năm 2011, cuộc khủng hoảng nợ công bắt nguồn từ Hy Lạp đã có những diễn biến ngày càng khó lường, đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung Châu Âu, khiến chính trường nhiều nước trong khu vực chao đảo và tác động tiêu cực đến quá trình hồi phục của kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh vị thế đồng USD và euro ngày càng lung lay, nhiều nhà đầu tư đã coi vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Hệ quả là, giá kim loại hiếm này liên tục nhảy vọt. Từ khoảng 1.400 USD/ounce đầu năm lên tới 1.923 USD/ ounce trong tháng 9 - mức giá cao nhất mọi thời đại. Dù hiện tại, giá kim loại quý này đã lùi về quanh ngưỡng 1.700 USD/ ounce, tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kinh tế dự đoán, vàng có thể lên trên mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2012.

 
 

Phong trào "Chiếm lấy phố Wall"

 

Bắt đầu từ ngày 17-9-2011, phong trào "Chiếm lấy phố Wall" được phát động với cuộc biểu tình trước Sở Giao dịch chứng khoán New York của thành phố cùng tên nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính Mỹ. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" lan rộng sang nước láng giềng Canada, nhiều nước Châu Âu, Châu Phi và một số thành phố Châu Á. Những người tham gia cam kết cuộc đấu tranh giai cấp này sẽ không dừng lại trong tương lai gần. Điều đó cho thấy làn sóng phẫn nộ trước sự bất công xã hội đang ngày một gia tăng và tỏ ra không có giới hạn ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản.

 
 

Palestine là thành viên của UNESCO

 

Ngày 31-10-2011, Palestine trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sau khi đạt được 107 phiếu thuận (14 phiếu chống và 52 phiếu trắng) trong cuộc bỏ phiếu tại khóa họp thường niên Đại hội đồng UNESCO ở Paris (Pháp). Đây là thành công hiếm hoi trong nỗ lực của Tổng thống Mahmoud Abbas và nhân dân Palestine về một Nhà nước Palestine độc lập. Trước đó, hồi tháng 9-2011, nhân kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông M. Abbas đã đệ đơn xin công nhận Nhà nước Palestine, tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành hiện thực trong vài tháng sau đó.

 
 

Mỹ rút quân khỏi Iraq

 

Sau gần một thập kỷ xâm lược và chiếm đóng Iraq, ngày 18-12-2011, Mỹ đã rút hết lực lượng quân sự khỏi đất nước Vùng vịnh này. Các nhà phân tích nhận định, việc Mỹ rút khỏi Iraq như một "sự kiện lịch sử" đánh dấu "thắng lợi" của Mỹ và cả của người Iraq. Hơn thế, hồi kết của cuộc chiến này mang lại thắng lợi to lớn cho bản thân Tổng thống Barack Obama. Nhưng chắc chắn là Iraq sẽ phải đối mặt với vô vàn thử thách ở phía trước như khủng bố, sự chia rẽ chính trị, kinh tế và xã hội. Và chính Mỹ cũng chưa trút hết gánh nặng Iraq.

 

  

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

 

Ngày 19-12-2011, thông tin Chủ tịch Kim Jong-il qua đời vì một cơn đau tim hai ngày trước đó được Triều Tiên chính thức thông báo đã khiến dư luận bất ngờ. Sự ra đi đột ngột của vị chủ tịch 69 tuổi khiến các đối tác của đàm phán 6 bên không khỏi quan ngại khi tiến trình đối thoại nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được khơi thông. Tuy nhiên, sự ủng hộ của hệ thống nhà nước và nhân dân quốc gia Đông Bắc Á đối với nhà lãnh đạo kế nhiệm Kim Jong-un, con trai thứ ba của cố Chủ tịch Kim Jong-il cho thấy một cuộc chuyển giao quyền lực thuận lợi tại Triều Tiên; đồng thời mở ra hy vọng cho sự ổn định và hòa bình tại khu vực.