Các nước EU đã thống nhất biện pháp trừng phạt trên nguyên tắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Iran.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe hôm qua (4/1) về biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) với Iran có thể sẽ được thực thi vào cuối tháng này như đổ thêm dầu vào lửa cho vòng xoáy căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây.
Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe thì có vẻ như EU đã thống nhất được các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ của Iran và dự kiến sẽ áp dụng cho đến cuối tháng này. Ngoại trưởng Pháp cho biết, các nước EU đã thống nhất trên nguyên tắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Iran.
Ông Juppe nói: “Chúng tôi sẽ có cuộc họp Ngoại trưởng EU vào ngày 30/1 tới và trong dịp này, tôi hy vọng EU sẽ có thể chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Iran. Cuộc thảo luận của EU về vấn đề này đang tiến triển tốt. Chúng tôi cần đảm bảo nguồn cung dầu khí cho một số đối tác đang sử dụng dầu của Iran, theo đó sẽ cho họ nguồn cung cấp thay thế”.
Lệnh cấm vận của EU buộc Iran phải tìm kiếm những đối tác mới thay thế thị trường xuất khẩu dầu lớn thứ 2 này. Các nước EU mua 450.000/ngày trong tổng số 2,6 triệu thùng dầu khai thác mỗi ngày của Iran, nhiều thứ 2 sau Trung Quốc.
Đây là “cú giáng đau” với Tehran ngay trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội của nước này. Tuy nhiên, phía Iran chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào sau tuyên bố của EU. Còn Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng bùng nổ với Iran, lại ngay lập tức hoan nghênh tuyên bố từ EU. Nữ phát ngôn chính phủ Mỹ Victoria Nuland trong buổi họp báo cùng ngày 4/1 đã nhấn mạnh việc cấm vận nhập khẩu dầu mỏ từ Iran của EU là một tin tốt lành.
Trong khi đó, căng thẳng Mỹ-Iran trong vấn đề eo biển Hormuz còn chưa nguội, liên quan đến cuộc tập trận của Iran và việc Mỹ đưa tàu sân bay tới khu vực này. Iran cảnh báo rằng cuộc tập trận của mình nhằm thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đầu của hải quân Iran để bảo vệ lãnh thổ trước bất cứ âm mưu tấn công nào.
Những diễn biến mới này đã đổ dầu vào mối quan hệ vốn chưa bao giờ hạ nhiệt giữa Iran và các nước phương Tây liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Các biện pháp trừng phạt của EU tiếp ngay sau việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật trừng phạt mới với ngân hàng Trung ương Iran, cho thấy hành động cứng rắn của phương Tây nhằm hạn chế chương trình hạt nhân Iran.
Đàm phán hạt nhân Iran và nhóm P5+1 (gồm các nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đã đổ bể một năm trước đây. Những hy vọng mới được nhen nhóm khi Iran vào ngày cuối cùng của năm 2011 bất ngờ đề nghị hòa đàm để giải quyết căng thẳng hạt nhân, có thể bị lu mờ trước những diễn biến mới này.
Những trừng phạt của phương Tây trong những năm qua không ảnh hưởng quá nhiều tới Iran. Tuy nhiên những trừng phạt mạnh mẽ mới công bố sẽ đẩy Iran vào khó khăn thực sự khi nền kinh tế nước này phụ thuộc 60% vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Chắc chắn rằng những lệnh cấm vận mới sẽ kéo theo sự suy giảm kinh tế Iran và có thể ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên tại nước này trong 10 năm qua. Cuộc bầu cử Quốc hội Iran dự kiến diễn ra ngày 2/3 tới, bầu chọn 290 thành viên Quốc hội./.