Cùng Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Hàn Quốc... đón năm mới theo Âm lịch với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc điển hình.
Năm mới Nhật Bản - người Nhật từng dùng một lịch mặt trăng-mặt trời tương tự như lịch Trung Quốc. Nhưng điều này thay đổi vào ngày 1 tháng 1 năm 1873, khi lịch Gregorian (Dương lịch) được chọn dùng cho tất cả các mặt của đời sống.
Lịch của các nước này thực ra không hoàn toàn là âm lịch, mà là âm dương lịch, vì dựa trên sự kết hợp của mặt trăng và mặt trời. Chu kỳ mặt trăng là khoảng 29,5 ngày. Để "đuổi kịp" với lịch mặt trời (Dương lịch), cứ vài năm một lần, người Trung Quốc xưa lại bổ sung thêm một tháng. Điều này cũng giống như việc bổ sung thêm một ngày vào năm nhuận. Đó là vì sao Tết lại rơi vào các ngày khác nhau qua các năm.
Nhìn chung, ở mọi quốc gia đều có chung mong muốn và nguyện ước hướng tới một năm mới bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, người dân lại chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới theo cách khác nhau.
Tết Nguyên đán của Việt Nam
Có thể nói, đặc trưng điển hình nhất của Tết Nguyên Đán là nếp sống cộng đồng. Các phong tục ngày Tết cũng xuất phát chính từ những đặc trưng này.
Từ 23 tháng Chạp (ngày ông Táo về Trời), người dân nô nức đi chợ Tết. Chợ Tết là thước đo sự ấm no của cộng đồng trong năm. Rồi người ta chung tay giết lợn, chung tay gói bánh chưng (tạo nên tục gói bánh chưng ngày Tết). Tết là dịp duy nhất trong năm có sự sum họp đầy đủ của tập thể gia đình, gia tiên và gia thần. Con cháu dù đi làm ăn ở đâu ngày Tết cũng cố gắng về đoàn tụ với gia đình; hương hồn ông bà tổ tiên các thế hệ cũng cùng về gặp mặt; các vị thần phù hộ cho gia đình đều được cúng bái.
Từ sau ngày 23 tháng Chạp, người ta thường đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Mỗi gia đình sẽ tiến hành lễ rước vong linh ông bà tổ tiên (thường gọi là cúng rước) vào chiều ngày cuối năm.
Ngày Tết, dân tộc ta có nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong như khai bút, khai canh, hái lộc, chúc tết, du xuân, mừng thọ...
Tục chúc Tết có nhiều sắc thái, đó là sự bày tỏ tình thương yêu thấm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý qua những lời chúc. “Mồng một là Tết nhà cha”: sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Ngày xưa họ còn được con cháu tế sống với hai lạy hai vái. Để mừng tuổi con cháu là những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt bọn trẻ. “Mồng hai nhà mẹ”: cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình. “Mồng ba Tết thầy”: sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người.
Với quan niệm “có thờ có thiêng - có kiêng có lành”, người dân Việt rất coi trọng tục xông đất ngày Tết, đây là việc làm rất ý nghĩa và trang nghiêm. Ngay từ nửa đêm sau lễ giao thừa đánh dấu một năm đã qua, nhường cho một năm mới tốt đẹp đến, nhà ở được coi như hoàn toàn đổi mới, người bước chân tới xông đất sẽ là sứ giả đem sự may mắn đưa đến. Do đó, mọi người đã cân nhắc kĩ về nhân phẩm, chức phận, sự giàu sang, cũng như về tính tình, vận hạn khi mong cầu người đến xông nhà ngày đầu năm. Chính vì nghĩ đến ảnh hưởng của việc xông đất đến việc làm ăn cho cả năm, nên các bậc cao niên rất thận trọng đối với người đến nhà đầu tiên trong ngày Nguyên Đán. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của gia chủ được trôi chảy thông suốt.
Xuất hành ngày Tết cũng được coi là một mỹ tục trang nghiêm. Khi tiếng pháo đã ngớt đêm giao thừa, mỗi gia đình thường cử một người xuất hành (tức là bước ra khỏi nhà) trong những giây phút mới mẻ ngày đầu năm. Xuất hành phải xem lịch để chọn hướng tốt, hạp với tuổi của mình, ngụ ý để mang đến điều may mắn mỗi khi bước chân ra khỏi nhà trong năm mới. Sau khi xuất hành xong, người ta có thể tự xông nhà.
Xuân tiết của Trung Quốc
Trước đây, Tết truyền thống của Trung Quốc có tên là “Nguyên đán” song đến năm 1949, sau khi Trung Quốc chính thức sử dụng công lịch và đặt tên cho ngày 1/1 dương lịch là Tết “Nguyên đán” thì ngày Tết theo lịch âm trước đây được đổi tên thành “Xuân tiết” (Tết xuân).
Theo tập tục dân gian của quốc gia này, ý nghĩa rộng lớn của Xuân tiết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, kéo dài đến ngày rằm tháng Giêng năm mới, trong đó ngày 30 tháng Chạp - giao thừa và mồng một tháng Giêng chính là thời điểm long trọng và đáng nhớ nhất của cả dịp Tết.
Tại mỗi địa phương trên đất nước Trung Quốc, người dân đón Tết xuân với nhiều tập tục truyền thống khác nhau, song tất cả đều có một điểm chung đó là vào tối 30 Tết, cả gia đình sẽ cùng quây quần ăn bữa cơm sum họp đoàn viên.
Điểm đặc biệt, trên khắp mọi miền của đất nước Trung Quốc và ở những miền đất mà người Hoa đang sinh sống, khi đón Tết đều diễn ra những hoạt động văn hóa long trọng như treo đèn kết hoa muôn màu muôn sắc. Thông qua những hoạt động này, người dân Trung Quốc thể hiện mong muốn có một cuộc sống tươi đẹp hơn, xua đi bệnh tật, xui xẻo cũng như mong muốn gửi tới những người thân yêu lời chúc phúc, sức khoẻ, sự yên bình cho một năm mới.
Tết Seollal của Hàn Quốc
Tết âm lịch cổ truyền của người Hàn Quốc, theo tiếng Hàn gọi là Seollah, thường rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Đây chính là đại lễ quan trọng nhất trong năm, còn có tên gọi khác nữa là Won Dan, theo âm tiếng Trung Quốc là Tết Nguyên đán.
Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa để xua đuổi tà ma vì tục truyền do tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Đặc biệt, người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn. Trong những tuần giáp Tết, người Hàn Quốc, nhất là giới trẻ, thường trao cho nhau các tấm bưu thiếp để cảm ơn về những gì đã có trong năm cũ và cầu chúc một năm mới hạnh phúc đang đến.
Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất và cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Sau nghi lễ này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi. Với các trẻ em, đây còn là dịp để chúng được thoả sức tham gia vào các trò chơi truyền thống được tổ chức ở nhiều địa điểm công cộng như: kéo co, thả diều, bập bênh và yut-nori - một loại trò chơi trên ván gỗ dùng gậy.
Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi bàn về ngày Tết Nguyên đán của Hàn Quốc mà không nhắc đến văn hoá ẩm thực trong mối quan hệ chặt chẽ với các nghi thức thờ cúng thần, Phật và tổ tiên. Đồ ăn để cúng thần, Phật, tổ tiên được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Đồ ăn dâng cúng có khi bao gồm hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có món chính là ttok-kuk (một loại phở nước được chế từ bò hay gà).
Người Hàn Quốc cho rằng, ngày Tết ăn ttok-kuk có nghĩa là “ăn” một năm khác. Thêm nữa, do trên 50% dân số Hàn Quốc theo đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão vốn đều du nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ từ nhiều thế kỷ trước, nên đa số các gia đình Hàn Quốc đến nay vẫn rất coi trọng việc thờ cúng đức Phật, thần linh và tổ tiên.
Câu chúc tết phổ biến nhất của người Hàn Quốc là “Say hay boke-mahn he pah du say oh”, có nghĩa “Mong nhiều phúc lành năm mới sẽ đến với bạn”. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng treo “Bok jo ri” ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn Quốc treo vật này ngoài cửa với mong muốn nhận được phúc lộc quanh năm.
Tết Tsagaan Sar của Mông Cổ
Tsagaan Sar - Tết cổ truyền của người Mông Cổ diễn ra gần với khoảng thời gian Tết cổ truyền của người Trung Quốc. Theo tập quán của Mông Cổ, vào những ngày trọng đại này, mọi người cùng “rửa sạch” cả thể xác lẫn tâm hồn để đón chào một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Đêm giao thừa được người dân Mông Cổ gọi là Bituun có nghĩa là “tối thui” bởi trong đêm này, bầu trời hoàn toàn không có ánh trăng hay sao. Đặc biệt, mọi người sẽ ăn thật no vì họ tin rằng nếu không làm như vậy thì trong suốt cả năm mới sẽ bị đói. Vào ngày đầu năm mới, ai nấy đều dậy sớm trước khi mặt trời mọc, mặc quần áo mới và nhóm lửa. Tất cả nam giới sẽ lên đỉnh ngọn đồi hay núi gần đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Tiếp theo đó, người dân Mông Cổ sẽ làm lễ xuất hành muruu gargakh.
Trong dịp lễ đặc biệt này, người Mông Cổ thường tụ tập ở nhà của người lớn tuổi nhất trong gia đình để chúc Tết. Trong khi chúc Tết, các thành viên trong gia đình cầm những dải vải dài gọi là khadag, tượng trưng cho lòng thương và điềm lành. Sau khi thực hiện nghi thức này, họ cùng ăn món buuz (một loại bánh như bánh bao có nhân là thịt cừu, bò băm nhỏ), uống rượu arkhi và trao cho nhau những món quà để cầu chúc một năm mới thịnh vượng và ấm no./.