Mỹ sẵn sàng đương đầu với mọi đe dọa của Iran

17:21, 19/01/2012

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nhấn mạnh: Mỹ hiện đã có sẵn một lực lượng quân sự hùng hậu đóng quanh vùng Vịnh.

Ngày 18/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, nước này hoàn toàn sẵn sàng để đương đầu với mọi đe dọa của Iran về việc đóng cửa Eo biển Hormuz.

 

Trả lời câu hỏi liệu những đe dọa của Iran có dẫn tới việc Mỹ phải tái bố trí lực lượng tại khu vực này hay không, ông Panetta nói rằng ở thời điểm hiện tại, Washington vẫn chưa tiến hành "bước đi cụ thể nào để ứng phó với tình huống này bởi trên thực tế chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng để đương đầu với điều đó".

 
 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Panetta nhấn mạnh Mỹ hiện đã có sẵn một lực lượng quân sự hùng hậu đóng quanh vùng Vịnh. Ông nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực này nhằm thể hiện rõ rằng chúng tôi sẽ làm tất cả để bảo đảm hòa bình tại đây".

 

Mỹ tuyên bố nước này sẽ không cho phép Iran phong tỏa Eo biển Hormuz, nơi có tới 1/3 sản lượng dầu thương mại của thế giới đi qua. Các nhà phân tích Mỹ nhận định Hải quân Iran không có đủ quy mô để phong tỏa lâu dài eo biển chiến lược này, song có năng lực thủy lôi và tên lửa.

 

Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, Washington rất minh bạch trong các nỗ lực ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân và phong tỏa eo Hormuz. Ông hy vọng sự khác biệt giữa hai bên sẽ được giải quyết một cách hòa bình thông qua luật pháp và quy tắc quốc tế. Washington khẳng định đã tuân thủ các quy tắc này và hy vọng Iran cũng hành động tương tự.

 

Ông chủ Lầu Năm góc từ chối bình luận về thông tin cho hay Washington đã gửi thư đến Iran về vấn đề tranh cãi quanh eo biển Hormuz, nhưng cho hay Mỹ có những kênh liên lạc với Iran và sẽ tiếp tục sử dụng những kênh này.

 

Trước đó, hôm 13/1, NY Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay, Washington đã thông qua một kênh bí mật để gửi lời cảnh báo đến đại giáo chủ Iran rằng đóng eo biển chiến lược này là một hành động khiêu chiến. Tuy nhiên, cũng trong hôm qua, đại sứ Iran tại Nga, ông Seyyed Mahmoud Reza Sajjadi, đã lặp lại lời đe dọa.

 

Xoa dịu căng thẳng Iran và phương Tây  

 

Trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang giữa Iran và phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của Tehran, Nga khẳng định sẽ nỗ lực để ngăn chặn mọi cuộc tấn công quân sự vào Iran. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong khu vực vùng Vịnh cũng cam kết thúc giục Iran bảo đảm an ninh cho eo biển Hormuz và khởi động lại đàm phán giữa Iran và các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của Tehran. NATO thúc giục Iran bảo đảm an ninh eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Bỉ ngày 18/1, Tổng thư ký NATO xác nhận rằng, các cường quốc phương Tây không có kế hoạch can thiệp quân sự vào khu vực Trung Đông.

 

Trên cương vị mới là Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq khẳng định với thế giới rằng tất cả các nước đều sẵn sàng bảo vệ tuyến đường thủy trung chuyển dầu mỏ Hormuz, để đảm bảo tiến trình sản xuất và xuất khầu dầu mỏ trong khu vực, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu. “Trong chuyến thăm Iran lần này, tôi sẽ tập trung thảo luận về vấn đề bảo đảm an ninh eo biển Hormuz. Với tư cách là Chủ tịch OPEC năm nay, chúng tôi sẵn sàng đảm bảo vấn đề tự do xuất khẩu, cũng như đảm bảo quá trình sản xuất, xuất khẩu dầu tới toàn thế giới góp phần ổn định nền kinh tế toàn cầu”.

 

Trước lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran, phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết năm 2011 ngày 18/1, Ngoại trưởng Nga Lavnov tuyên bố Nga sẽ làm hết sức mình để chặn đứng nguy cơ này.

 

Ông nêu rõ hậu quả của một cuộc tấn công quân sự như vậy sẽ là "thảm họa", khoét sâu thêm chia rẽ vốn đã hiện hữu trong thế giới Hồi giáo, trước hết giữa cộng đồng người Sunni và người Shiite.

 

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống quốc gia Hồi giáo này cũng sẽ không tạo thuận lợi cho nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời làm phương hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và khiến người dân Iran bất bình. Nga kêu gọi phương Tây tập trung vào đàm phán với Iran thay vì cân nhắc trừng phạt hay tấn công quân sự quốc gia này./.