Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với Philippines: Sự trở lại mang tính chiến lược

08:19, 30/01/2012

Tiếp theo kế hoạch thiết lập một căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ tại miền Bắc Australia cũng như đưa chiến hạm tới đóng ở Singapore, quan hệ quân sự Mỹ - Philippines dường như đã sôi động hơn khi cuối tuần qua các quan chức cấp cao hai nước đàm phán về khả năng mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Với nhiều lợi thế địa - chiến lược trên vành đai Thái Bình Dương, sự hiện diện gia tăng của quân đội Mỹ tại Philippines cho thấy tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trên bản đồ chính trị thế giới.

Được xúc tiến đúng hai thập niên sau khi lực lượng hải quân Mỹ phải rời khỏi căn cứ lớn nhất ở Thái Bình Dương - căn cứ hải quân ở Vịnh Subic của Philippines mà người Mỹ từng sử dụng từ cuối thế kỷ XIX -  cuộc đàm phán cho thấy Washington và Manila đã sẵn sàng cho một thỏa thuận về tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Philippines. Thực chất đây mới chỉ là động thái chuẩn bị cho các bước tiếp theo cho cuộc hội đàm cấp cao dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan sau cuộc hội đàm cho thấy, Manila đã sẵn sàng tiếp nhận sự hiện diện của hàng loạt phương tiện kỹ thuật quân sự của Mỹ tại nước này; đồng thời xem xét tới lựa chọn vị trí cho lực lượng tăng cường của quân đội Mỹ đồn trú, dù chỉ là vị trí tạm thời hoặc luân phiên vì Lầu Năm Góc không có ý định mở thêm các căn cứ tại Philippines. Không chỉ dừng lại ở đó, khi thỏa thuận được ký kết cũng đồng nghĩa với việc mở đường cho những cuộc tập trận chung thường xuyên hơn giữa hai nước.

 

Đây không phải lần đầu tiên quan hệ quân sự Mỹ - Philippines có dấu hiệu ấm lên. Khẳng định ủng hộ mạnh mẽ cả về quân sự lẫn ngoại giao với Philippines trong chuyến thăm nước này tháng 11 năm ngoái nhân kỷ niệm 60 năm hai nước ký Hiệp ước phòng thủ chung, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton một lần nữa nhấn mạnh tới cam kết của các bên về an ninh hàng hải, nêu bật lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải và thông thương hàng hóa trên biển. Tại một buổi lễ mang tính biểu tượng trên tàu khu trục USS Fitzgerald ở Vịnh Manila nhân chuyến thăm này, Ngoại trưởng H.Clinton và người đồng cấp Philippines Albert del Rosario đã ký Tuyên bố Manila tái khẳng định quan hệ liên minh quân sự giữa hai nước; trong đó gồm cả việc tiếp tục hợp tác để củng cố năng lực của lực lượng vũ trang Philippines.

 

Thừa nhận Mỹ muốn gia tăng hiện diện trong khu vực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã lên tiếng trấn an dư luận trước những lo ngại việc lính Mỹ có thể ồ ạt trở lại Philippines. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Philippines khi đẩy mạnh hợp tác quân sự với Mỹ là củng cố khả năng phòng thủ trên biển. Điều đó cũng có nghĩa Mỹ vẫn phải tuân thủ Hiệp định Lực lượng Thăm viếng (VFA), từng được hai bên ký kết nhằm quy định khuôn khổ sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Philippines. Hiệp định này chỉ cho phép Mỹ đồn trú 600 lính trên lãnh thổ Philippines và quy định một số trường hợp đặc biệt, cho phép quân đội Mỹ trong khu vực được cập bến Manila để tiếp liệu và nghỉ ngơi, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn.

 

Kế hoạch trở lại mang tính chiến lược của quân đội Mỹ tại Philippines được nêu ra đúng vào thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ công bố kế hoạch ngân sách tài khóa 2013, theo đó sẽ cắt giảm chi tiêu 487 tỷ USD trong vòng 10 năm tới bằng việc giảm khoảng 100.000 lính lục quân, giảm mua sắm tàu chiến, máy bay trong nỗ lực xây dựng một lực lượng tinh gọn và cơ động phù hợp với chiến lược quân sự mới công bố của Mỹ. Các chuyên gia phân tích cho rằng, sau các thỏa thuận ở Australia và Singapore, Mỹ muốn có thêm một điểm đến thứ ba là Philippines để củng cố sứ mệnh ứng phó trên một tuyến hàng hải trọng yếu.