"Sóng" đã nổi lên ở vùng Vịnh

09:49, 25/01/2012

Ngày 24/1, Iran đã nhắc lại tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz sau khi Liên minh châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này.

Những diễn biến căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân Iran đang tác động lớn và đẩy giá dầu thế giới tăng cao. Bên cạnh bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, các nước còn hứng chịu thêm nhiều sóng gió từ vùng Vịnh thổi vào.

 

Các nhà chính trị Iran ngày 24/1 cho biết, họ hy vọng Liên minh châu Âu sẽ rút lại các lệnh cấm vận mới nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Iran cũng nhắc lại đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.

 

Đây là những lời đáp trả mạnh mẽ với quyết định của Liên minh châu Âu cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran, sẽ có hiệu lực trong 6 tháng tới.

  

Liên minh châu Âu là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Iran, do đó việc ngừng nhập khẩu dầu sẽ là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

 

Người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iran Nikzad Rahbar ngày 24/1 khẳng định, nước này có thời gian để đối phó với trừng phạt của Liên minh châu Âu:

 

“Đây mới là tuyên bố của Liên minh châu Âu và sẽ mất 6 tháng để các lệnh cấm vận được thực thi. Hành động này sẽ làm tổn hại đến châu Âu trước tiên vì giá dầu sẽ tăng cao. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, các nước Liên minh châu Âu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Rahbar nói.

 

Iran có vẻ như rất tự tin với tuyên bố này khi mà lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu sẽ chỉ được thực thi toàn diện từ đầu tháng 7 tới, để các nước phụ thuộc lớn vào nguồn dầu mỏ của Iran như Hy Lạp và Italy tììm được nguồn cung thay thế. Và Liên minh châu Âu sẽ còn xem xét lại trừng phạt Iran vào tháng 5 tới.

 

Cùng với Liên minh châu Âu, Mỹ tiếp tục áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Tejarat - ngân hàng lớn thứ ba của Iran. Trong khi đó, Australia đã khẳng định ủng hộ trừng phạt của Liên minh châu Âu với Iran. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở thủ đô London (Anh) ngày 24/1, Ngoại trưởng Australia Kevin Ruud cho biết: “Tôi khẳng định rằng chính phủ Australia hoàn toàn ủng hộ các lệnh trừng phạt đưa ra tại Bruseles. Chúng tôi tin rằng đây là hành động đúng đắn. Australia cũng sẽ có những trừng phạt tương tự với Iran. Xuất khẩu của Australia tới Iran cũng sẽ giảm nhanh chóng trong thời gian tới”.

 

Trong bối cảnh căng thẳng, Nhật Bản - một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á lại cho rằng những biện pháp ngoại giao là thích hợp cho giải quyết vấn đề Iran, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nói như vậy ngày 24/1.

 

“Với vấn đề Iran, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao và hòa bình. Nhật Bản sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp cho vấn đề Iran, bên cạnh đó cũng hợp tác với các nước khác trong vấn đề này. Nhật Bản cũng phải cân nhắc việc cắt giảm dầu thô nhập khẩu từ Iran và những tác động với nền kinh tế Nhật Bản”.

 

Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái và ảnh hưởng từ nợ công châu Âu sẽ còn tác động xấu trong thời gian tới, thì các nước chắc chắn còn phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng việc cấm nhập khẩu dầu từ Iran và những tác động tới nền kinh tế, vốn không mấy sáng sủa.

 

Cùng lúc này, đúng như cảnh báo của các nghị sĩ Iran và giới phân tích kinh tế, ngay sau khi Liên minh châu thông qua lệnh cấm vận, giá dầu trên thị trường quốc tế đã tăng mạnh. Cũng phải nói đến tình huống Iran đóng cửa eo biển Hormuz - tuyến hàng hải mang tính chiến lược quan trọng nhất trên thế giới trong việc vận tải dầu lửa, thì hậu quả sẽ là 20% lượng dầu kinh doanh trên thế giới bị tổn hại và giá dầu thế giới có thể sẽ tăng vọt.

 

Một kịch bản tồi tệ hơn là việc đóng cửa eo biển Hormuz có thể khiến căng thẳng vùng Vịnh bùng nổ, khi Mỹ đã gọi đây là hành động của chiến tranh. Hiện hạm đội tàu chiến, bao gồm tàu sân bay của Mỹ và các tàu chiến của Anh và Pháp,đã tiến vào vùng Vịnh.

 

Căng thẳng vùng Vịnh, chương trình hạt nhân Iran, những bất đồng Iran với Mỹ và phương Tây… tiếp tục là những vấn đề nóng bỏng, khiến thế giới và nền kinh tế toàn cầu còn chứng kiến và hứng những luồng gió nóng từ vùng Vịnh thổi vào./.