Iran đang ngày càng bị đẩy vào thế cô lập khi đồng minh truyền thống là Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo Tehran về chương trình vũ khí hạt nhân.
Sau chuyến thăm đến vùng Vịnh và hội đàm với lãnh đạo các nước Arab, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã trực tiếp bày tỏ sự lên án đối với quốc gia Hồi giáo.
"Trung Quốc kiến quyết phản đối Iran phát triển và chế tạo vũ khí hạt nhân", ông nói.
Thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến Iran là Tehran không thể trông cậy vào sự ủng hộ hào phóng của Bắc Kinh nữa vào thời điểm Mỹ và châu Âu đang ra sức áp đặt lệnh cấm vận với ngành xuất khẩu dầu mỏ của Tehran. Washington Post cho hay Trung Quốc đã giảm nhập khẩu dầu từ Iran trong tháng một này, từ bình quân 550.000 thùng một ngày xuống còn 285.000 thùng một ngày.
Các chuyên gia về chính sách ngoại giao của Trung Quốc cho hay tuyên bố này đã thể hiện rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận vị thế quốc tế của mình bị phụ thuộc vào Iran. Chuyến thăm của ông Ôn đến ba cường quốc dầu mỏ và khí đốt của thế giới được giới chuyên gia xem là chuyến tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế cho Iran. Tuy nhiên, thủ tướng Trung Quốc khẳng định chuyến công du này chỉ nhằm mục đích hữu nghị.
"Iran không muốn Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên nhưng Iran phải hiểu rằng đó là lựa chọn của Trung Quốc để không tách mình khỏi thế giới, vì lợi ích của quốc gia", ông Yu Guoqing, một nhà nghiên cứu về Trung Đông thuộc viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói.
Trước đó, Bắc Kinh khẳng định ủng hộ hệ thống chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng việc Iran sử dụng nguồn năng lượng này vì mục đích hòa bình thì cần được tôn trọng. Trung Quốc cũng khuyến khích Iran nối lại đàm phán hạt nhân và yêu cầu các bên liên quan đảm hòa bình, ổn định của khu vực.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho hay các Bộ trưởng Ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ với Iran và lệnh đóng băng tài sản ngân hàng trung ương nước này trong cuộc họp vào 23/1 tới. Các quan chức châu Âu tiết lộ rằng lệnh cấm vận này sẽ được áp đặt ngay lập tức nhưng các hợp đồng hiện tại với Tehran thì vẫn kéo dài đến 1/7. Lệnh cấm vận đầy đủ có thể được xem xét vào tháng 7 khi các quan chức cân nhắc những tác động đối với giá dầu. Nước thành viên của EU là Hy Lạp đang gặp khó khăn về tài chính và phải phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ Iran.
Hiện Mỹ đã thông qua lệnh trừng phạt với các tổ chức có giao dịch dầu mỏ với ngân hàng trung ương Iran. Nhật Bản cũng bày tỏ sự ủng hộ với Mỹ bằng cách giảm nhập khẩu dầu từ Iran nhằm góp phần trừng phạt kinh tế Tehran do chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo. Mỹ cũng đang kêu gọi Hàn Quốc giảm phụ thuộc nguồn dầu Iran, trong khi Trung Quốc trước đó từ chối các nỗ lực đơn phương chống lại Iran vì cho rằng sẽ chỉ làm căng thẳng trong khu vực thêm leo thang.