Thay vì tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại cứng rắn với Triều Tiên, Hàn Quốc sẽ chuyển sang phương thức tiếp cận mới theo hướng ôn hòa hơn nhằm từng bước thu hẹp bất đồng cũng như căng thẳng trong quan hệ hai miền. Hướng đi mới này vừa được đảng Đại Dân tộc (GNP) cầm quyền của Hàn Quốc đưa ra trong cương lĩnh ngày 30-1 đã phát đi tín hiệu lạc quan về tương lai trên bán đảo Triều Tiên trong năm mới 2012.
Liên tục bị các nghị sĩ đối lập và độc lập chỉ trích vì đã thực hiện các chính sách đối đầu cứng rắn với Bình Nhưỡng khiến quan hệ hai miền không ngừng căng thẳng, sự điều chỉnh mới mang tính chiến lược của GNP được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Lee Myung-bak giành lại uy tín trong dân chúng khi chỉ số tín nhiệm đang sụt giảm mạnh. Điều này càng có ý nghĩa với GNP cầm quyền khi cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 và bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới đang đến gần. Song điều quan trọng hơn, việc vận hành một chính sách đối ngoại linh hoạt và tương tác nhiều hơn với Bình Nhưỡng không chỉ đáp lại nguyện vọng của đa số người dân xứ Kim chi mà còn là yếu tố quan trọng với nhà lãnh đạo Lee Myung-bak khi muốn tiếp tục tiến trình đàm phán sáu bên (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên).
Làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình đàm phán đầy gai góc này giờ không còn là "chuyện nội bộ" của hai miền mà đã trở thành mối quan tâm chung của cả khu vực, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Il qua đời. Không quá lạc quan nhưng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa đưa ra nhận định rằng, cuộc đàm phán sáu bên có thể được nối lại vào nửa đầu năm nay nếu các nước liên quan không có hành động khiêu khích. Hy vọng trên càng có cơ sở khi chưa đầy một tháng qua, thế giới đã chứng kiến hàng loạt chuyến ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo cấp cao các nước tham gia đàm phán, mà vấn đề hạt nhân của Triều Tiên luôn được ưu tiên trong chương trình nghị sự. Đây cũng là nội dung chính trong chuyến thăm Nga hai ngày 31-1 và 1-2 của đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên Glyn Davies cũng như chuyến thăm Hàn Quốc diễn ra cùng thời điểm của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell. Trong cuộc họp kín kéo dài hai ngày 30 và 31-1 trên đảo Jeju (Hàn Quốc), các quan chức quốc phòng cấp cao Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng khẳng định mong muốn tiến trình đàm phán này sớm được khởi động lại dưới sự cầm quyền của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un.
Nhưng đó vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng" trong quan hệ liên Triều hiện nay. Hơn bốn năm qua, các bên liên quan đã nỗ lực không mệt mỏi nhằm hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân thông qua đàm phán. Tuy nhiên, tất cả xem ra chưa đủ thuyết phục Triều Tiên vốn quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân vừa như "con át chủ bài" tự vệ, vừa để giành thế thương lượng trên bàn đàm phán. Điều đó càng dấy lên quan ngại về một hiện thực rằng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba hoặc phóng thêm tên lửa vào nửa cuối năm nay như một khẳng định sự cứng rắn đủ mạnh của nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un trước các lực lượng vũ trang của đất nước.
Ngoài ra, một cuộc diễu binh quy mô lớn với nhiều tên lửa, các loại vũ khí cùng lực lượng lớn binh sỹ thuộc các binh chủng hải, lục, không quân dự kiến cũng sẽ diễn ra trong thời gian tới để kỷ niệm các ngày lễ lớn đầu năm 2012. Những động thái này khiến Hàn Quốc không thể không quan tâm. Lập tức quân đội Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" từ ngày 27-2 đến 9-3 tới với sự tham gia của 200.000 lính Hàn Quốc và 2.100 lính Mỹ nhằm tăng cường độ sẵn sàng phòng thủ của binh sĩ. Không dừng lại ở đó, Mỹ và Hàn Quốc còn tổ chức cuộc tập trận thực địa "Đại bàng non" từ ngày 1-3 đến 30-4 tới với sự góp mặt của quân nhân Hàn Quốc và 11.000 lính Mỹ thuộc cả ba quân chủng hải, lục, không quân.
Năm 2012 từng được Tổng thống Lee Myung-bak nhắc tới như "một cửa sổ cơ hội mới" với bán đảo Triều Tiên để hai miền xích lại gần nhau, đặc biệt sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-Il. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy, hy vọng về một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân trong tương lai gần thông qua đàm phán vẫn còn khá mong manh và đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các bên liên quan.