Chính quyền Syria không dễ bị sụp đổ

08:18, 28/02/2012

Rạng sáng 27/2, (theo giờ Việt Nam), Syria đã kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới do chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất tổ chức.

Trong ngày 27/2, chính phủ Syria công bố kết quả cuộc trưng cầu ý dân. Mặc dù vấp phải sự phản đối của Mỹ và các nước phương Tây, nhưng những gì đã diễn ra trong cuộc trưng cầu ý dân lần này cho thấy rằng, những người không ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, dù là ở trong hay ngoài nước, sẽ chẳng dễ dàng làm sụp đổ chính quyền của ông Bashar al-Assad.

 

Nếu hiến pháp mới được thông qua trong cuộc bỏ phiếu, nó sẽ cho phép, ít nhất là trong lý thuyết, sự hình thành các đảng phái chính trị và qui định Tổng thống Syria được bầu trực tiếp, sẽ cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm.  Đây có thể coi là bước thay đổi đột phá, điều mà người ta đã không thể nghĩ đến một năm trước đây. Tuy nhiên, theo bản hiến pháp mới, thời gian mà ông Bashar al-Assad  tại nhiệm trong nhiều năm qua không được tính, có nghĩa là ông Bashar al-Assad có thể tiếp tục tại vị thêm 2 nhiệm kỳ nữa, khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2014.

 

Với quyết định trưng cầu ý dân về hiến pháp mới, một lần nữa cho thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad  không nhượng bộ trước các yêu cầu của quốc tế nhằm chấm dứt tình hình bạo lực ở nước này.

 

Theo ông Bashar al-Assad, Syria đang bị nhấn chìm trong một cuộc chiến truyền thông, khi một số phương tiện truyền thông phương Tây đã phóng đại những gì đang xảy ra ở quốc gia Trung Đông này: “Nhiều người đang so sánh những thông tin từ truyền thông của chính phủ Syria với những thông tin từ các phương tiện truyền thông phi chính phủ ở các nước khác. Đây là một sự so sánh không khách quan và công bằng. Syria đang hứng chịu một cuộc tấn công truyền thông”.

 

Trong khi đó, phe đối lập Syria cho rằng cuộc trưng cầu ý dân chẳng có nghĩa lý gì khi nó sẽ không thể đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực. Phe đối lập tẩy chay các cuộc bỏ phiếu, còn ngừoi biểu tình thì vẫn kiên quyết rằng, chỉ có sự ra đi của Tổng thống Bashar al-Assad mới có thể chấm dứt bạo lực, khiến 7.500 người thiệt mạng trong 11 tháng qua.

 

Còn các nhà quan sát đặt ra câu hỏi liệu những cam kết từ cuộc trưng cầu ý dân lần này có mang lại cho người dân Syria cơ hội được nắm trong tay quyền bầu cử và quyết định về tương lai của đất nước hay không. Ông Thabet Salem, một nhà phân tích chính trị Syria nói: “Theo hiến pháp cũ, Đảng là người lãnh đạo đất nước và xã hội, vì vậy tất cả các quyền được trao cho Đảng. Bây giờ điều tương tự đang diễn ra nhưng tất cả các quyền lại được trao cho Tổng thống”.

 

Mặc dù vậy, hình ảnh nhiều người dân Syria đi bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu của chính phủ bất chấp bạo động vẫn đang diễn ra tại nhiều khu vực trên cả nước đã giải thích lý do tại sao nhiều người dân Syria đã không tham gia các cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

 

Đơn giản vì họ không có lòng tin ở phe đối lập, hơn thế nữa là nỗi lo sợ Syria sẽ trở thành một Libia thứ 2 và khi đó chính họ, những người dân Syria sẽ là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Việc này cũng cho thấy rằng, ông Bashar al-Assad vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người dân Syria, và những người không ủng hộ ông, dù là ở trong hay ngoài nước, đều sẽ chẳng dễ dàng lật đổ chính phủ của ông Bashar al-Assad./.