Thực tế cho thấy, đàm phán Mỹ - Triều khó mang lại kết quả đột phá khi 2 bên vẫn chưa thể tạo dựng được lòng tin
Ngày 24/2, Mỹ và Triều Tiên bắt đầu ngày thứ 2 của các cuộc đàm phán nhằm khởi động lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tại cuộc đàm phán ngày đầu tiên, các bên đều đã khẳng định cần phải tăng cường thêm các nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Phát biểu trước vòng cuối cùng của các cuộc đàm phán nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân, ông Glyn Davis, phái viên Mỹ về đàm phán hạt nhân Triều Tiên cho biết, các cuộc đàm phán giữa 2 bên trong ngày 23/2 đã diễn ra tốt đẹp và hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề viện trợ lương thực cho Triều Tiên.
Ông Davis khẳng định tất cả các bên cần phải tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy quá trình nối lại đàm phán 6 bên: “Chúng tôi sẽ cố gắng để thúc đẩy quá trình này. Những nỗ lực ngoại giao vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần phải có thêm thời gian, đôi khi phải mất tới vài tuần hoặc vài tháng. Chúng tôi sẽ xem liệu chúng tôi có thể tiến xa tới đâu, hoặc ít nhất thì cũng phải đạt được một tiến bộ mới, làm động lực cho việc thúc đẩy tiến trình đàm phán 6 bên”.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Kye Kwan cũng cho biết, 2 bên đã tiến hành đàm phán một cách nghiêm túc và tích cực. Tuy nhiên hiện 2 bên chưa tiết lộ các thông tin chi tiết xung quanh cuộc thảo luận này.
Đây là cuộc họp thứ 3 giữa Washington và Bình Nhưỡng trong vòng 8 tháng qua và là cuộc họp đầu tiên kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong il. Cuộc thảo luận lần này được 2 bên nhận định là một bước đi rất quan trọng và cần thiết trước khi làm sống lại các cuộc đàm phán giữa 6 quốc gia về vấn đề Triều Tiên.
Nếu các cuộc đàm phán này thành công, nó có thể thu hẹp những bất đồng giữa 2 bên, và cũng là động lực giúp làm sống lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên các bên cần phải vượt qua trở ngại lớn đó là lấy lại lòng tin với nhau trước khi có thể cùng ngồi lại vào bàn đàm phán.
Từ Washington, ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng cho biết, Bình Nhưỡng vẫn cần phải đưa ra câu trả lời đối với các vấn đề mà Mỹ đã đề xuất trước đây, và khẳng định các quan điểm cũng như yêu cầu của Mỹ đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên Triều Tiên vẫn cho rằng việc nối lại đàm phàn 6 bên không nên kèm theo một điều kiện tiên quyết nào. Điều này cho thấy cuộc đàm phán giữa các nhà đàm phán Mỹ và Triều Tiên sẽ khó có thể mang lại kết quả đột phá nào cho vấn đề này khi 2 bên vẫn chưa thể tạo dựng được lòng tin./.