Bản Hiến pháp mới này là sự ủng hộ rộng khắp của người dân Syria đối với tiến trình cải cách đất nước.
Đài truyền hình quốc gia Syria tối 27/2 đưa tin, trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 26/2, khoảng 89% số cử tri của quốc gia Trung Đông này đã bỏ phiếu tán thành bản Hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất.
Kết quả đưa ra chỉ vài giờ sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố các lệnh trừng phạt mới với Syria, bao gồm phong tỏa tài sản ngân hàng trung ương và một số quan chức Chính phủ nước này.
Theo hiến pháp mới, hệ thống chính trị của Syria sẽ dựa trên chế độ đa đảng, song cấm thành lập các chính đảng phân biệt về tôn giáo.
Những cải cách Hiến pháp nằm trong nỗ lực của Tổng thống Bashar al-Assad nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình và bạo lực kéo dài 11 tháng qua ở nước này.
Trước khi được đưa ra trưng cầu dân ý, dự thảo Hiến pháp mới đã được Quốc hội Syria thông qua. Văn kiện này qui định Tổng thống Syria được bầu trực tiếp, sẽ cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm.
Tổng thống Bashar al-Assad trước đó đã cam kết sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 90 ngày nếu như cử tri Syria thông qua bản Hiến pháp này.
Báo chí Syria cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã phản ánh quyết tâm thực hiện các chương trình cải cách của người dân. Trong khi đó, phe đối lập cho rằng, bản Hiến pháp chưa bao gồm đầy đủ những sửa đổi cần thiết.
Cả các phe phái đối lập tại Syria lẫn phương Tây đều bác bỏ những đề xuất cải cách của Tổng thống Bashar al-Assad và cáo buộc cuộc trưng cầu dân ý là giả dối.
Sau khi người dân Syria thông qua Hiến pháp mới, ngày 27/2, Nga đã lên tiếng hoan ngênh kết quả trưng cầu ý dân về bản hiến pháp, coi đây là bằng chứng về sự ủng hộ của người dân Syria đối với nhà chức trách quốc gia Trung Đông này.
Thông cáo đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga có đoạn viết, Nga cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân tại Syria là sự khẳng định chắc chắn về sự ủng hộ rộng khắp của người dân đối với tiến trình cải cách ở nước này. Nó cũng cho thấy, sự tác động của lực lượng đối lập, vốn kêu gọi tẩy chay sự kiện này, chỉ ở phạm vi rất giới hạn.
Nga xem cuộc trưng cầu ý dân tại Syria là động thái quan trọng hướng đến tiến trình cải cách tại nước này nhằm đưa Syria tiến tới một nhà nước dân chủ hiện đại cũng như mở rộng thẩm quyền và tự do của người dân Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syria chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại mà không kèm điều kiện tiên quyết nào.
Trong khi phương Tây đang tìm mọi cách để trừng phạt và cô lập chính quyền Syria, Nga cùng Trung Quốc tiếp tục lên án mạnh mẽ sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, hội nghị "Những người bạn của Syria" diễn ra tuần trước tại Tunisia "rõ ràng là phiến diện", không giúp tạo ra những điều kiện để khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm một giải pháp mang tính chính trị".
Trước đó, trong một bài viết trên nhật báo "Tin tức Moscow" ngày 27/2, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng chỉ trích phương Tây thiếu kiên nhẫn để tìm ra được một nghị quyết "cân bằng" tại Syria, theo đó phải yêu cầu lực lượng đối lập tại Syria ngừng bắn và rút khỏi các điểm nóng, trong đó có thành phố Homs.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích phương Tây đang cố áp đặt cái gọi là "một giải pháp" lên người dân Syria. Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đóng một vai trò tích cực với tất cả các bên để tìm kiếm một lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria.
Trong khi đó, trái với phản ứng của Nga, người phát ngôn Chính phủ Mỹ Victoria Nuland tại cuộc họp báo hôm qua đã lên tiếng chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân tại Syria gọi đây là sự nhạo báng./.