Trong bối cảnh một cuộc chiến giữa Israel - Iran được cho là đang có nhiều nguy cơ xảy ra, tác giả Vladimir Yevseyev - Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Chính trị của Nga có bài phân tích các lý do khiến Israel có thể không đánh Iran.
Vấn đề Iran không còn giới hạn chỉ trong chương trình hạt nhân của Tehran nữa mà giờ còn liên quan tới các diễn biến rộng hơn trong khu vực. Ả Rập Xê Út, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang ganh đua để trở thành lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Ai Cập đã rơi vào bất ổn, và vai trò của Mỹ trong khu vực này suy yếu dần.
Các quan chức của Iran đã đổ thêm dầu vào lửa khi đưa ra các tuyên bố về khả năng đóng cửa eo biển Hormuz - nơi trung chuyển 40% nguồn dầu thô toàn cầu và một lượng đáng kể khí tự nhiên hóa lỏng.
Hạm đội số 5 của Mỹ đóng tại một bên bờ của vùng Vịnh đã tăng cường quân số lên 20.000 người trên các tàu chiến và các tàu phụ, khoảng 3.000 nhân viên phục vụ trong các nhóm duyên hải.
Các tàu của Iran và các tàu ngầm nhỏ lớp Ghadir đã tiếp cận rất gần tới tàu chiến của Mỹ vài lần. Những hành động như vậy có thể gây nên đụng độ vũ trang và cuối cùng là các hành động chiến tranh cho dù các bên có muốn hay không.
Israel không có các tham vọng trong khu vực này nhưng lại lo ngại về an ninh dọc biên giới của họ. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều chuyên gia, Israel không muốn ráo riết tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran, bởi vì giới tinh hoa chính trị và quân sự của Israel đều hiểu rõ hậu quả thảm khốc mà một hành động như vậy gây nên.
Cho dù một cuộc tấn công giả định như vậy có thành công hay không, thế giới Hồi giáo có thể sẽ lên án Israel vì dám tấn công vào một quốc gia Hồi giáo. Điều này sẽ làm cho mối quan hệ với Ai Cập và có thể là với cả Jordan, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ trở nên phức tạp, làm căng thẳng thêm quan hệ với Palestine và khiến cho Israel bị cô lập sâu hơn nữa.
Việc đáp trả cuộc tấn công (giả định) của Israel có thể bao gồm cả những cuộc không kích bằng tên lửa tại các khu vực do Hezbollah kiểm soát ở dải Gaza và Libăng nhằm vào Israel. Hezbollah được cho là có trang bị tên lửa và có khả năng tấn công mọi mục tiêu ở Israel.
Trường hợp tốt nhất là Israel không dính líu gì tới xung đột vũ trang với Iran, đẩy quả bóng trách nhiệm vào chân của đồng minh Israel là Mỹ.
Washington sẽ không được lợi lộc gì khi sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Các vấn đề kinh tế đã khiến cơ hội tái cử của Tổng thống Obama trở nên eo hẹp hơn và buộc ông phải giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Phát động thêm một cuộc chiến trong khu vực mà không có đầy đủ lý lẽ sẽ là bước đi không hề khôn ngoan trong những bối cảnh như trên. Việc Iran phong tỏa eo biển Hozmus rất có thể trở thành một biến cố nhằm khai mào một cuộc chiến tranh, nhưng điều này ít có khả năng xảy ra.
Đó là những lý do giải thích tại sao quân đội Israel lại lo ngại rằng họ sẽ phải giải quyế vấn đề hạt nhân Iran một cách thận trọng.
Mặc dù Mỹ và châu Âu không trông mong gì vào việc tấn công Iran, nhưng mối quan hệ mật thiết giữa Israel và Mỹ khiến cho Tel Aviv hy vọng rằng Mỹ sẽ hỗ trợ về quân sự khi cần thiết.
Israel khá lạc quan về hiệu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị nhằm vào Iran. Israel ủng hộ các lệnh trừng phạt nặng nề của EU, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng vẫn cho rằng các biện pháp này vẫn chưa thật hiệu quả. Đó là lý do tại sao Isarel lại có những hành động nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran được chừng nào hay chừng nấy.
Một ví dụ gần đây là các vụ nổ tại căn cứ quân sự của Iran ở Amir Al-Momenin, nằm cách thủ đô Tehran 45km về phía tây nam hồi tháng 11 năm ngoái. Theo dữ liệu của Israel, các vụ nổ đã phá hủy trận địa thử nghiệm tên lửa cho các tên lửa đạn đạo Shahab-3 và khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có Tướng Hassan Tehrani-Moquaddam - người điều hành chương trình tên lửa của Iran.
Sẽ là khờ khạo nếu như ai đó nghĩ rằng Lực lượng Vũ trang Israel (Tzahal) không sẵn sàng tấn công các mục tiêu ở Iran. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở của Iran có hiệu quả hay không khi tính đến khoảng cách và an ninh của các cơ sở này.
Cơ sở làm giàu uranium tại Natanz nằm sâu 8 mét dưới lòng đất, bên trên là nhiều lớp bê-tông dự ứng lực. Một cơ sở tương tự gần Fordo nằm trong một quả núi và được nối với bên ngoài bằng 5 đường hầm.
Isarel không có các tiềm lực quân sự đủ để phá hủy nhiều cơ sở của Iran, nhưng điều đó không có nghĩa là ý nghĩ này được bỏ qua. Israel có thể đang lên kế hoạch tấn công các thành phần trọng yếu của hạ tầng hạt nhân và tên lửa của Iran bằng cách sử dụng không quân và các tên lửa phóng từ ngoài biển cũng như các lực lượng tác chiến đặc biệt.
Không một ai ở Israel nghi ngờ về việc Iran đang là một mối đe dọa với họ, nhưng khả năng tấn công quân sự không được bàn thảo nhiều - thậm chí trong giới chuyên gia bởi mức độ tin cậy rất cao trong giới lãnh đạo quân sự và lo ngại rò rỉ thông tin.
Do đó, quyết định tất nhiên vẫn phải được đưa ra do một nhóm nhỏ lãnh đạo cao cấp cỡ bộ trưởng nhóm họp lại với nhau dựa trên các thông tin tình báo về việc Iran chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân.
Nếu như Israel có các thông tin đáng tin cậy về việc thử nghiệm hạt nhân sắp diễn ra, nhiều khả năng Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Israel. Thực tế này chỉ có thể tránh được nếu như Tehran chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của họ (nếu có).
Nói cách khác, Isarel không hứng thú gì mấy với việc đối đầu quân sự với Iran, vì điều đó sẽ gây ra các hệ quả vô cùng tệ hại thậm chí ngay cả trong bối cảnh khả dĩ nhất. Nhưng nếu Iran đi quá đà - bằng việc tiến hành các vụ thử hạt nhân, thì chắc chắn là Israel sẽ ra đòn.
Mỹ sẽ hiển nhiên trợ lực cho đồng minh của mình, và hệ quả là một cuộc chiến tranh khu vực diễn ra với vô vàn hậu quả tiêu cực. Khi cân nhắc tới khả năng viễn cảnh này xảy ra, tất cả các bên chỉ còn cách suy nghĩ thận trọng và kiềm chế hết mức có thể.