Khủng hoảng ở Syria có thể vượt tầm kiểm soát

17:03, 22/02/2012

Lập trường của Mỹ dường như thay đổi khi có thái độ lập lờ đối với vấn đề vũ trang cho phe đối lập tại Syria

Tình hình Syria có thể diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố để ngỏ khả năng có thể vũ trang cho phe đối lập tại Syria nếu giải pháp chính trị không đem lại kết quả. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình và đụng độ gây thương vong tiếp tục xảy ra tại một số địa phương của Syria.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra hôm 21/2 ở thủ đô Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Mỹ vẫn tin rằng một giải pháp chính trị sẽ đem lại kết quả tốt nhất tại Syria, song Washington không loại trừ bất cứ khả năng nào, trong đó có để ngỏ khả năng vũ trang cho phe đối lập Syria: “Ưu tiên của chúng tôi lúc này là cố gắng gây sức ép với chính quyền Syria về một giải pháp chính trị và hỗ trợ người dân nước này. Chúng tôi không nghĩ góp phần quân sự hóa hơn nữa tình hình Syria là một ý tưởng tốt, nhưng chúng tôi không loại trừ bất cứ khả năng nào”.

 

Động thái này cho thấy dường như đã có sự thay đổi lập trường của Mỹ, vì từ trước đến nay nước này đều nhấn mạnh chính sách không vũ trang cho phe đối lập tại Syria.

 

Trái với thái độ của Mỹ, cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định lập trường của nước này về vấn đề Syria là "nhất quán và rõ ràng", không tán thành sự can thiệp vũ trang hoặc ép buộc cái gọi là "thay đổi chế độ" ở Syria. Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức tiến hành đối thoại chính trị mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào và cùng thảo luận về một kế hoạch cải cách chính trị toàn diện.

 

Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, quan điểm của Trung Quốc là cộng đồng quốc tế cần tôn trọng hoàn toàn chủ quyền, độc lập, sự đoàn kết, toàn vẹn lãnh thổ và sự lựa chọn của người dân Syria, cũng như kết quả của tiến trình đối thoại chính trị giữa các bên.

 

Nga cũng kêu gọi Liên Hợp Quốc cử đặc phái viên tham gia giải quyết vấn đề an ninh và nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukasevic cũng lên tiếng chỉ trích Hội nghị “Những người bạn Syria” dự kiến tổ chức trong tuần này, trong đó nhấn mạnh hội nghị sẽ không giúp ích gì cho tiến trình đối thoại khi không có sự tham gia của tất cả các phe phái.

 

Có thể khẳng định, cuộc khủng hoảng tại Syria đang bước vào một tuần quan trọng, khi các cường quốc phương Tây và Arab dự định họp tại Tunisia vào ngày 24/2 để gây sức ép yêu cầu Tổng thống Al-Assad từ chức, trong bối cảnh ông đang thúc đẩy kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 26/2 về một hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu ý dân này được cho là sẽ dẫn tới các cuộc bầu cử đa đảng trong vòng 90 ngày và là một phần trong chương trình cải cách của Tổng thống Al-Assad nhằm đáp ứng những đòi hỏi dân chủ hơn nữa của người dân. Tuy nhiên, các nước phương Tây và những nhân vật đối lập tại Syria coi chương trình này là “một trò hề".

 

Trong khi cộng đồng quốc tế vẫn “bế tắc” đối với các quan điểm của Syria thì bạo lực vẫn không ngừng gia tăng ở nước này. Một số hãng tin nước ngoài đưa tin, trong ngày 21/2, khoảng 2.500 sinh viên đã biểu tình ngồi tại Đại học Aleppo ở miền Bắc Syria. Các vụ đụng độ gây thương vong lớn giữa nhân viên an ninh và lực lượng biểu tình chống chính phủ đã xảy thành phố Homs và tỉnh Idlib.

 

Trước đó, một vụ đụng độ giữa lực lượng chính phủ với phe đối lập diễn ra tại Homs làm ít nhất 16 người thiệt mạng.

 

Dư luận lo ngại nếu tình hình Syria tiếp tục vượt khỏi tầm kiểm soát, bạo lực có thể lan sang các nước láng giềng, làm gián đoạn sự phục hồi của Iraq, làm tăng căng thẳng giữa Iran với phương Tây, gây bất ổn Lebanon, đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel./.