Một năm trôi qua, học gì từ Mùa xuân Ảrập

09:06, 08/02/2012

Tác giả bài viết là Hoàng thân Alwaleed, thành viên hoàng gia Ảrập Xêút. Ông là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Kingdom Holding Co., chủ tịch Quỹ Alwaleed. Ông còn là cổ đông lớn của News Corp., tập đoàn sở hữu nhật báo Phố Wall.

Tác giả bài viết là Hoàng thân Alwaleed, thành viên hoàng gia Ảrập Xêút. Ông là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Kingdom Holding Co., chủ tịch Quỹ Alwaleed. Ông còn là cổ đông lớn của News Corp., tập đoàn sở hữu nhật báo Phố Wall.

 

Đã một năm trôi qua kể từ khi Mohamed Bouazizi, người bán dạo Tunisia 26 tuổi tự thiêu phản đối chính quyền, châm ngòi cho những gì giờ đây nổi tiếng với tên gọi Mùa xuân Ảrập. Đó là hành động cuối cùng của một người đàn ông trẻ - người mà những nỗ lực kiếm sống nuôi nấng gia đình bị cản trở bởi các quan chức chính phủ.

 

Tự sát chỉ là hình thức giải thoát của riêng anh. Nhưng anh đã không chọn lựa cách tự kết liễu mình trong bóng tối. Thay vào đó, anh giống như ngọn lửa, để mọi người đều được chứng kiến, ở một quảng trường công cộng.

 

Không ai có thể dự đoán rằng, một hành động tuyệt vọng như thế lại khơi nguồn cho cuộc nổi dậy rộng khắp tại Tunisia và nhanh chóng lan sang Ai Cập, Yemen, Libya và Syria. Thực tế là, kể từ cuộc cách mạng châu Âu năm 1848, thế giới chưa từng chứng kiến một phong trào nổi dậy nào lan sang nhiều quốc gia với tốc độ nhanh chóng như thế.

 

Thảm kịch là sự tự thiêu của Bouazizi chính là cảm giác của rất nhiều người Ảrập bất hạnh và tuyệt vọng. Chỉ đơn giản là, họ không thể lặp lại lần nữa. Họ gọi các nhà lãnh đạo của mình một cách chính xác và cô đọng là "kifaya" và "irhal" nghĩa là “đã đủ” và “ra đi”.

 

Sự ra đi nhanh chóng của tổng thống Tunisia và Ai Cập dĩ nhiên có thể không dễ dàng nhân rộng ở các quốc gia Ảrập khác. Mỗi nước Ảrập có đặc thù riêng về lịch sử, cơ cấu xã hội, tôn giáo, hay thành phần dân tộc. Hơn nữa, khi các sự kiện bắt đầu lan rộng, thì cũng ngày càng có nhiều quan ngại rằng, các kết quả từ phong trào nổi dậy có thể không mỹ mãn như nhiều người hy vọng. Sau tất cả, giống như các phong trào nổi dậy trong quá khứ, cách mạng thường phát sinh ra những hậu quả không lường trước được, thậm chí còn đi ngược với các mục tiêu mà người tham gia mong đợi.

 

Ở bản thân Trung Đông, cách mạng vào giữa thế kỷ 20 ít nhất đã minh chứng điều đó. Cuộc lật đổ nền quân chủ Ai Cập năm 1952 đã dẫn tới sự lãnh đạo gần 60 năm của những quy tắc và luật lệ quân sự không coi trọng các quyền dân sự. Các kết quả khá giống nhau kể từ khi các chính quyền bị lật đổ ở Iraq, Libya, Sudan, Syria và Yemen.

 

Chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo mới nổi từ cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ lại mang dấu ấn quá khứ hay không. Rất nhiều ứng viên cho tới thời điểm này có liên quan với các chính quyền trong quá khứ. Những cá nhân này cuối cùng có thể nắm quyền lực và nếu như vậy họ có thể thoát khỏi được nhiều thói quen cũ hay không?

 

Nhưng điều đáng lo hơn cả có lẽ là quan điểm rằng, sự thiết lập quân sự có vẻ được chấp thuận ở một số quốc gia Ảrập vốn bất ổn bởi tranh cãi bè phe nhóm, bè phái đe dọa sự ổn định và tăng thêm tính phức tạp cho nhiều vấn đề.

 

Cũng chưa rõ là các chính quyền mới làm thế nào để nhanh chóng thiết lập các thể chế cần thiết cho xã hội nhằm đáp ứng mong muốn thực thi cải tổ dân chủ, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế. Trong số này, các toà án độc lập và toàn vẹn là điều tối quan trọng để bảo vệ quyền lợi. Chúng không chỉ gìn giữ tính ưu việt của các quy định pháp luật, mà còn là người phân xử cuối cùng để đảm bảo cho các quyết định được thực hiện (trong cả lĩnh vực tư nhân hay công cộng) một cách hợp pháp và phù hợp với quy định đặt ra. Dân chủ đòi hỏi những điều nhiều hơn là bầu cử hay bỏ phiếu.

 

Giữa bối cảnh này, người ta có thể hình dung ra được những nhiệm vụ to lớn mà chính quyền mới phải đối mặt để cuối cùng nắm quyền kiểm soát sự bất ổn trong các quốc gia Ảrập. Tuy nhiên, sự lãnh đạo kiên nhẫn, thiện chí, thận trọng và khôn ngoan có thể chiến thắng. Nó đòi hỏi cam kết từ phía các nhà lãnh đạo chính quyền quá độ trong những nỗ lực linh hoạt, thỏa hiệp và thích nghi nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia nói chung.

 

Nếu có một bài học từ Mùa xuân Ảrập thì đó là làn gió thay đổi giờ đây đang thổi khắp Trung Đông cuối cùng cũng sẽ tới từng quốc gia Ảrập. Vì thế, đây là lúc thuận lợi, để các chế độ quân chủ Ảrập bắt đầu áp dụng những biện pháp nhằm mang tới những đóng góp lớn hơn của toàn thể công dân trong đời sống chính trị nước họ.

 

Sớm hay muộn thì nhu cầu tham gia như vậy sẽ chỉ ngày càng gia tăng với thế hệ trẻ Ảrập được giáo dục tốt hơn, liên kết với thế giới tốt hơn thế hệ đi trước. Sẽ không có sự hài lòng với phương thức quản lý năm cũ, hay những cải tổ nhỏ nhặt mang tính hình thức mà số ít chính phủ thực hiện tới thời điểm này. Trái lại, những biện pháp ấy chỉ làm gia tăng sự hoài nghi và cảm giác rằng, chỉ thông qua nổi dậy và bạo lực mới có được những thay đổi đáng kể.

 

Nhưng những người dân Ảrập, dù già hay trẻ, cũng hiểu ra rằng, để duy trì sự ổn định và nuôi dưỡng một môi trường thích hợp cho cải cách thì sự tiếp cận tiên tiến là điều cần thiết. Họ sẵn sàng kiên nhẫn để có thể phân biệt cam kết từ tầng lớp lãnh đạo trong nỗ lực cải cách cơ cấu nhằm cung cấp một tầm nhìn rõ ràng về các mục tiêu sẽ đạt được vào khoảng thời gian xác định.

 

Không có một cam kết như thế, hy vọng của người dân cuối cùng sẽ tiêu tan.