Ông Putin sắp thắng?

15:26, 16/02/2012

Bấp chấp hàng loạt các cuộc biểu tình chống Putin diễn ra trên khắp nước Nga trong thời tiết giá rét, Thủ tướng Nga Vladimir Putin vẫn đang chiếm ưu thế nhất trong cuộc đua trở lại chiếc ghế Tổng thống.

Trong cuộc thăm dò mới đây do VTsIOM tổ chức, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Putin đang ngày càng cao lên trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là bầu cử Tổng thống Nga. Các nhà xã hội học cho rằng, kết quả này có được là nhờ các hoạt động năng động trong chiến dịch tranh cử.

 

Nếu như cuộc bầu cử Tổng thống Nga tổ chức vào hôm Chủ nhật vừa qua, thì rõ ràng là ông Putin đã thắng cử với tỉ lệ 53,3% phiếu bầu mà không cần chờ tới vòng 2. Kết quả này hẳn là khiến ông Putin phần nào yên tâm hơn so với kết quả thăm dò trước đó (chỉ ngấp nghé mức quá bán) và ông Putin đã có lúc không dám tin là mình sẽ thắng cử ngay từ vòng đầu.

 

Theo sau đó là lãnh đạo Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Zyuganov với tỉ lệ ủng hộ là 10,3%, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Vladimir Zhirinovsky về thứ 3 với 8,2% phiếu bầu, tỉ phú Mikhail Prokhorov chỉ giành được 4,6% tỉ lệ bình chọn và ứng viên Sergey Mironov của đảng Nước Nga Công bằng về cuối với 3,3%.

 

Trong số những người muốn ông Putin trở lại ghế Tổng thống, 59% là các công dân với mức sống trung bình khá cao. Còn những người có thu nhập thấp hơn lại chọn ứng viên của Đảng Cộng sản.

 

Còn trong một cuộc thăm dò khác của trung tâm Levada, tỉ lệ ủng hộ ông Putin không quá 42% dù vẫn dẫn đầu.

 

Sức ép không thể chối từ

 

Kể từ sau cuộc bầu cử Duma Quốc gia, Đảng Nước Nga Thống nhất hứng chịu sức ép nặng nề từ phía cử tri vì nhiều người không tin kết quả bầu cử là công bằng. Ngay sau đó, làn sóng biểu tình chĩa chỉ trích vào ông Putin với mong muốn một "nước Nga không Putin".

 

Sai lầm của ông Putin - theo nhận định của đối thủ kiêm tỉ phú Mikhail Prokhorov - khiến làn sóng phản đối dâng cao chính là ông đã quá khinh suất khi nói rằng việc trở lai ghế Tổng thống lần này của ông chỉ là "đổi chỗ" cho Tổng thống đương nhiệm Dmitry Medvedev. Câu nói đó khiến cho nhiều người dân Nga - vốn đã bức xúc vì nạn tham nhũng và các vấn đề xã hội khác - nổi giận vì cho rằng cuộc bầu cử ra lãnh đạo đứng đầu đất nước có thể sẽ giảm tính tôn nghiêm.

 

Nhưng trong cái khó lại ló cái hay, ở chỗ: ngay cả khi nhiều người phản đối thì ít ai dám phủ nhận vai trò và đóng góp to lớn của ông Putin trong việc vực dậy một nước Nga chìm trong khủng hoảng thời hậu Yelsin. Trong con mắt của một phần đáng kể công chúng Nga, Putin vẫn là một lãnh đạo có thể trông cậy được.

 

Nước Nga vẫn cần có một người lãnh đạo như ông Putin - điều này chính địch thủ của ông là tỉ phú Mikhail Prokhorov cũng phải thừa nhận. Những cuộc biểu tình của người dân Nga đã gửi thông điệp rõ ràng tới người nhiều khả năng vẫn trở thành Tổng thống Nga thêm lần nữa, đó là họ không cần một "Putin cũ" trở lại chiếc ghế cũ.

 

Họ cần một "Putin mới" để lãnh đạo đất nước trong bối cảnh mới: kinh tế phát triển hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn, và sạch bóng tham quan. Do đó, ông Putin không còn cách nào khác là phải thay đổi, theo hướng đáp ứng những mong mỏi cấp thiết của người dân Nga.

 

Và dường như ông Putin đã nắm bắt được điều đó. Ông từ chối tranh luận trên truyền hình với các ứng viên khác. Các nhà quan sát cho rằng ông muốn xây dựng hình ảnh của một lãnh đạo bận bịu với việc thúc đẩy nền kinh tế, và không có thời gian để tranh cãi với các đối thủ khác (mà theo ngụ ý là chẳng có ai xứng tầm làm đối thủ thực sự).

 

Dù vậy, thông qua các bài viết (dài và liên tục) về các chủ trương phát triển đất nước về mọi mặt, cương lĩnh tranh cử của ông cũng rõ ràng hơn. Những hứa hẹn ông đưa ra là một nước Nga dân chủ hơn, thay vì tình trạng "vô chính phủ và đầu sỏ chính trị" như những thập kỷ trước.

 

Dmitry Zhuravlyov - giám đốc của Học viện Các vấn đề Khu vực đánh giá các bài báo của ông Putin là "một bước tiến lớn" trong việc thúc đẩy dân chủ ở Nga. "Đó là một kế hoạch hành động" - ông Zhuravlyov nói.

 

Vladimir Yablonsky thuộc Cơ quan các Sáng kiến Chiến lược cho biết, đây là lần đầu tiên ông Putin nhận ra rằng "thời thế đã thay đổi". Tuy nhiên, Darya Mitina của phong trào đối lập Mặt trận Cánh tả lại cho rằng các bài báo này chẳng đem lại điều gì "ngoài sự hoang mang".

 

Chia rẽ đảng phái?

 

Trong  khi đó, các ứng viên khác là Gennady Zyuganov và Vladimir Zhirinovsky đã cáo buộc giới truyền thông ủng hộ cho ông Putin là bóp méo sự thật và đòi hỏi tranh cử Tổng thống một cách công bằng.

 

Theo quan điểm của các ứng viên này, điều khiến họ cảm thấy khó chịu nhất là giới truyền thông đã dành quá nhiều sự chú ý tới đương kim Thủ tướng Vladimir Putin, trong khi các đối thủ khác chỉ có "hơn 10%" lên sóng.

 

Hai ứng viên này cũng bực mình vì ông Putin từ chối tham dự vào các cuộc tranh luận trên truyền hình, và chỉ cử đại diện tới.  Theo ông Zhirinovsky, các đại diện chỉ có thể tham gia vào quá trình vận động tranh cử, nhưng ở các vùng xa xôi, chứ không phải trên truyền hình.

 

Lãnh đạo các đảng này thống nhất rằng đảng của họ và đảng Nước Nga Công bằng phải đoàn kết lại trong một nỗ lực nhằm đem lại một cuộc bỏ phiếu tổng thống hợp pháp vào ngày 4/3 tới, nhưng không có kế hoạch sáp nhập thành một nhóm chính trị duy nhất.

 

Mặc dù đứng áp chót trong cuộc thăm dò lần này, nhưng tỉ phú Mikhail Prokhorov vẫn gây được ấn tượng mạnh mẽ và góp phần làm cho cuộc đua sôi động hơn. Cuộc bầu cử Tổng thống lần này có sự tham gia của chính trị gia quyền lực nhất nước Nga là Vladimir Putin và doanh nhân giàu thứ 3 tại Nga.

 

Tuy vậy, ứng viên Zhirinovsky cho rằng trong cuộc chạy đua lần này, chỉ có 3 đối thủ thật sự - đó là ông, ông Putin và ông Zyuganov. Còn với ứng viên đối lập khác như Sergey Mironov - lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do - bị gắn mác là "người trong nhóm của Putin". Ứng viên độc lập kiêm tỉ phú Nga thì bị chỉ trích vì trở thành "tay sai" của Kremlin.