“Cha đẻ” WikiLeaks sẽ tranh cử nghị sĩ Australia: Chuyện thật như đùa

14:24, 26/03/2012

Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, người từng làm rung chuyển cả thế giới bằng việc hé lộ hàng chục ngàn tài liệu ngoại giao mật của Mỹ năm 2011, lại vừa tung ra một động thái gây chấn động.

Tuy nhiên, lần này không phải là một "quả bom thông tin" mới mà là tuyên bố J.Assange sẽ tranh cử một ghế tại Thượng viện Australia trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 8 năm tới. Chẳng những thế, WikiLeaks còn tuyên bố sẽ đề cử một ứng viên nhắm trực tiếp vào chiếc ghế Hạ nghị sĩ của Thủ tướng Australia Julia Gillard ở khu vực bầu cử Lalor (bang Victoria).

 

Điều đáng nói là J.Assange đang bị quản thúc tại một ngôi nhà ở miền đông nước Anh sau khi lệnh bắt giữ ông được đưa ra cuối năm 2010. Đầu năm 2011, một tòa án sơ thẩm ban đầu đã tuyên bố dẫn độ công dân xứ Chuột túi này sang Thụy Điển xét xử vì những cáo buộc tấn công tình dục 2 phụ nữ trong một chuyến công tác tại Stockholm hồi tháng 8-2010. Tuy nhiên, J.Assange bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng chúng được đưa ra với động cơ chính trị do có liên quan đến vụ WikiLeaks làm rò rỉ kho dữ liệu của Mỹ. Hiện tại J.Assange đang chờ câu trả lời từ tòa án tối cao xứ sở Sương mù cho đơn kháng cáo lần thứ hai nhằm phản đối phán quyết dẫn độ. Nếu bị bác bỏ, J.Assange sẽ bị áp giải sang Thụy Điển. Nhiều người yêu mến nhà sáng lập WikiLeaks lo ngại ông có thể sẽ bị tiếp tục dẫn độ sang Mỹ và có nguy cơ đối mặt với án tử hình vì tội tiết lộ thông tin mật của Nhà Trắng.

 

Trong lịch sử Australia, ít có công dân nào của nước này trúng cử vào cơ quan lập pháp nếu không được một chính đảng lớn ủng hộ. Nhưng chuyện thật như đùa của WikiLeaks và J.Assange đã một lần nữa làm "nóng" dư luận Australia. Nhiều người cho rằng, đây là một hành động của J.Assange nhằm đáp trả việc nữ Thủ tướng Australia Julia Gillard đã không đưa ra biện pháp nào để "bảo vệ công dân" chống lại áp lực từ phía Mỹ. Thậm chí bà J.Gillard còn lên án hành động của J.Assange là "cực kỳ vô trách nhiệm" trong khi kết luận của cảnh sát nước này cho rằng, WikiLeaks và Assange không vi phạm bất kỳ luật nào của Australia khi công bố nội dung các tài liệu ngoại giao mật của Mỹ.

 

Hiện vẫn chưa rõ J.Assange sẽ tranh cử ở khu vực nào. Xét một cách thực tế, có nhiều yếu tố ngăn cản công dân 40 tuổi này trở thành thượng nghị sĩ, nhưng với sự nổi tiếng của mình, ông có thể có được hơn 4% số phiếu tại bang đề cử. Khi đó, theo luật định, J.Assange có thể nhận lại hơn 2 USD tính trên một lá phiếu từ ngân sách chính phủ để chi trả cho chi phí tranh cử. Do vậy, cơ hội để J.Assange có thể bỏ túi cả trăm ngàn USD là rất lớn. Điều này không khỏi khiến nữ Thủ tướng xinh đẹp J.Gillard không cảm thấy ái ngại. Êkíp của bà Gillard đã phải lên tiếng yêu cầu cảnh sát điều tra liệu kế hoạch của WikiLeaks và J.Assange có phạm luật hay không. Thật trớ trêu, dù luật pháp Australia có mục quy định người phạm tội bị kết án từ 12 tháng tù giam trở lên sẽ mất quyền công dân, tức không thể ứng cử nhưng luật lại không áp dụng đối với trường hợp phạm tội hoặc bị kết tội ở nước ngoài. Vì thế, J.Assange hoàn toàn có thể nắm 1 ghế trong Thượng viện.