Từ hãng Samsung của Hàn Quốc cho tới Reliance Industries của Ấn Độ, hay Hon Hai của Đài Loan (hãng sản xuất cho Ipad), đó là các dòng họ tài phiệt theo kiểu gia đình trị đang làm mưa làm gió tại châu Á và thế giới.
Họ chiếm tới một nửa danh sát các công ty tại châu Á, 1/3 giá trị của thị trường chứng khoán và có nhân công lên tới hàng triệu người. Thành công của họ là chìa khóa cho các nền kinh tế mới nổi ở khu vực này.
Nhưng các “triều đại” này – hầu hết được thành lập từ sau chiến tranh Thế giới II – lại đang phải đối mặt với thách thức mới khi thế hệ sáng lập của họ đã bước sang tuổi “lão”, và phải truyền lại di sản cho các thế hệ tiếp theo.
Nhiều người đã thất bại trong việc chuyển giao này. Trong trường hợp khả dĩ nhất thì vẫn chưa rõ cụ thể, nhưng khả năng xấu nhất là những thù hằn trong gia đình có thể khiến cho cả triều đại sụp đổ.
“Nhiều doanh nhân châu Á là những người rất thành đạt, nhưng lại thất bại trong vấn đề đơn giản này” – Joseph Fan, một giáo sư tài chính tại Đại học Trung Hoa của Hồng Kông, nói.
Các cuộc chiến khắc nghiệt
Trên các tờ tạp chí kinh doanh và giải trí tràn ngập các thông tin về các vụ gia đình doanh nghiệp phải nhờ đến tòa án để giải quyết vấn đề tài sản.
- Tháng trước, Lee Kun-hee, vị chủ tịch 70 tuổi của nhà khổng lồ điện tử Samsung đã bị cả anh chị em của mình kiện về các cổ phần mà người cha quá cố của họ để lại.
- Tháng 12 vừa qua, Winston Wong – người con trai cả của ông trùm Đài Loan Wang Yung-ching đã quá cố - thưa kiện và đòi bồi thường cho số tài sản tranh chấp tương đương 4 tỉ USD mà ông đã bị các thành viên trong gia đình thứ ba của cha ông chiếm hết. Wang là người sáng lập nên hãng Formosa Plastics – một trong những công ty lớn nhất ở Đài Loan.
- Người đàn ông giàu có nhất Ấn Độ là Mukesh Ambani cũng rơi vào tranh chấp với anh trai của mình là Anil về quyền lợi với đế chế Reliance do cha họ sở hữu.
- Năm ngoái tại Hồng Kông, có một vụ việc làm huyên náo xứ cảng liên quan tới tương lai của công việc kinh doanh casino của tỉ phú Stanley Ho khi ông phải đọ sức với chính con cái của mình.
Trên thực tế thì nhiều ông trùm của châu Á đã bước vào độ tuổi 80, 90, và thập kỷ tới chắc chắn sẽ có nhiều sự chuyển giao về lãnh đạo trong các tập đoàn này.
“Đó có thể là mầm mống của rủi ro” – ông Fan nói. “Họ là các thành tố vô cùng quan trọng trong nền kinh tế”.
Chẳng hạn như gia đình của ông Ho được cho là chiếm tới 40% nền kinh tế của Macau.
Ông Fan cũng cho biết, trung bình giá trị chứng khoán của các công ty này giảm tới gần 60% trong suốt giai đoạn 5 năm trước khi chuyển giao quyền lực diễn ra, và kéo dài cho tới 3 năm sau đó.
Di sản và thù hận
Thông thường, thành công của một doanh nghiệp gia đình luôn là do yếu tố về kỹ năng, sức hút của lãnh đạo và các mối liên hệ với người sáng lập – đó là những yếu tố rất khó để thế hệ về sau duy trì.
“Nhiệm vụ thách thức nhất là phải chuyển giao cho các thế hệ về sau các khối tài sản vô hình này” – ông Fan nói.
“Chẳng hạn, ai cũng có thể xây dựng một ngôi nhà hoặc dựng lên một công trình như Li Ka-shing, nhưng không ai có thể có được danh tiếng hoặc các mối quan hệ chính trị như ông ấy” – ông Fan liên hệ tới người đàn ông Hồng Kông giàu có nhất châu Á.
Rất nhiều trong hầu hết các thù địch trong gia đình – chẳng hạn như gia đình ông Ho ở Hồng Kông và Macau và gia đình Wang ở Đài Loan – xuất phát từ các tranh chấp đấu đá giữa các bà vợ và con cái.
Những vấn đề khác lại nảy sinh từ các quan điểm khác nhau của thế hệ trẻ hơn. Họ thường đi du học ở nước ngoài về, và thường không có sự chia sẻ với sự can trường và quyết đoán của các thế hệ đi trước.
Ông Fan nói thêm: “Các gia đình này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải thích sự thần kỳ của nền kinh tế châu Á. Họ được thúc đẩy rất mạnh và sẵn sàng hy sinh các lợi ích của bản thân để phụng sự các lợi ích của gia đình và doanh nghiệp”.
“Vấn đề lúc này là liệu các giá trị như vậy có thể được chuyển giao thành công tới thế hệ tiếp theo hay không”.