Tiềm lực quân sự của Iran không được đánh giá cao như Israel, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, Iran còn nhiều “con bài” khác.
Iran thề sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nhất nếu bị Israel hay Mỹ tấn công. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người quan tâm là Iran sẽ đáp trả như thế nào, bằng vũ khí gì? Hậu quả của cuộc chiến này đối với khu vực và bản thân Iran sẽ như thế nào?
Tên lửa tầm xa
"Khả năng tấn công trực tiếp chống lại Israel của Iran là có hạn", ông Mark Fitzpatrick, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí và Giải trừ quân bị thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London khẳng định.
"Lực lượng không quân của Iran được đánh giá còn kém xa so với Không quân Israel và Iran chỉ sở hữu một số lượng hạn chế những tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Israel", ông Mark Fitzpatrick nói.
Theo ông Fitzpatrick, kho tên lửa của Iran bao gồm một phiên bản cải tiến của tên lửa Shahab-3, Ghadr-1, có tầm bắn 1.600 km (995 dặm). Tuy nhiên, Iran hiện chỉ sở hữu khoảng 6 bệ phóng cho loại tên lửa này".
"Loại tên lửa mới của Iran sử dụng nhiên liệu rắn Sajjil-2, cũng có thể vươn tới Israel, tuy nhiên loại tên lửa này vẫn chưa được hoàn thiện", ông Fitzpatrick nói thêm.
Ông Fitzpatrick lập luận rằng "tất cả những loại tên lửa này đều quá thiếu chính xác và sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu quân sự của Israel nếu chỉ được trang bị những đầu đạn thông thường". "Trong khi chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, Iran cũng không có cách nào để sử dụng một cách hiệu quả các loại vũ khí hóa học và sinh học".
Tóm lại, ông Fitzpatrick tin rằng "một cuộc tấn công tên lửa của Iran sẽ chỉ được coi là một cử chỉ tượng trưng".
Tranh thủ sự ủng hộ của “đồng minh”
Theo những phân tích trên thì Iran khó có khả năng đáp trả Israel trong trường hợp bị nước này tấn công. Tuy nhiên, ông Fitzpatrick lại tin rằng, Iran nhiều khả năng đáp trả các cuộc tấn công của Israel thông qua các “đồng minh” của mình là lực lượng Hezbollah và Hamas.
Theo đánh giá, nhóm Hồi giáo Hezbollah ở miền nam Lebanon hiện đang sở hữu hơn 10.000, phần nhiều trong số này được cung cấp bởi Iran. Những tên lửa này gồm các loại như Katyushas, tầm bắn 25 km (16 dặm), Fahr-3 tầm bắn 45km (28 dặm), Fajr-5 (75km; 47 dặm), Zelzal-2 (200 km; 124 dặm) và có khả năng có cả tên lửa Fateh-110 (tầm bắn 200km) và khoảng 10 tên lửa Scud-D có thể mang đầu đạn 750kg. Tất cả đều có thể tấn công các mục tiêu của Israel.
Bên cạnh đó, Phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng hiện đang kiểm soát dải Gaza cũng có thể tấn công Israel với các tên lửa tầm ngắn. Sự nguy hiểm ở đây là một cuộc xung đột rộng hơn sẽ xảy ra, hoặc giữa Israel và Hezbollah, hoặc Israel và Hamas.
Với quá nhiều sự bất ổn ở Trung Đông, nhất là cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria, có một nguy cơ rất thực tế là một cuộc tấn công của Israel vào Iran lúc này sẽ dấy lên một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực.
“Vũ khí” hải quân tại vùng Vịnh
Hải quân Iran, và đặc biệt là lực lượng hải quân tinh nhuệ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) được trang bị các loại tàu chiến nhỏ, khả năng cơ động cao, có khả năng rải thủy lôi hoặc phối hợp tấn chống lại các tàu lớn hơn cũng là một vũ khí lợi hại của Iran có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ngoài ra, Iran cũng triển khai nhiều hệ thống tên lửa trên đất liền có khả năng chống tàu.
Với sức mạnh trên, Iran có đủ khả năng để đóng cửa eo biển Hormuz - một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới, nơi 1/6 nhu cầu dầu của thế giới được vận chuyển qua đây.
Hải quân Mỹ tin tưởng rằng có thể mở lại eo biển này trong trường hợp bị Iran đóng cửa. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc xung đột lớn hơn giữa hải quân Mỹ và Iran, và trong ngắn hạn có thể tác động đáng kể đến giá dầu thế giới.
Hiện tại, Iran là một trong những điểm nóng nhất thế giới và nhiều người đang lo lắng khả năng sắp xảy ra một cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng Iran - Israel. Nỗi quan ngại này đang tăng lên sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/3 không thể thuyết phục được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trì hoãn việc thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Dù Mỹ thực sự không muốn đánh Iran vào lúc này, tuy nhiên liệu Washington có đứng yên hay không khi Israel tấn công Iran và nước Cộng hòa Hồi giáo này đáp trả? Nhiều người tin rằng, Mỹ chắc chắn sẽ nhảy vào giúp Israel bởi nước này luôn cam kết mạnh mẽ đối với an ninh của Nhà nước Do Thái.
Trong trường hợp cuộc chiến tranh giữa Israel - Iran xảy ra, chưa biết bên nào sẽ thắng, nhưng có một điều chắc chắn rằng: cuộc chiến này sẽ đẩy khu vực đầy bất ổn là Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực lớn hơn và có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh thế giới./.