Các nhà phân tích quân sự cho rằng, việc can dự của Mỹ vào biển Đông đã kết hợp song song cả ngoại giao và quân sự.
Những tuyên bố mới đây của Tổng tham mưu trưởng phụ trách tác chiến của hải quân Mỹ Jonathan Greenert về kế hoạch bố trí hải quân Mỹ tại Đông Nam Á cũng như việc Mỹ thúc đẩy thực hiện quan điểm tác chiến mới “Nhất thể hoá tác chiến hải - không quân” và đưa quân đến đồn trú tại Darwin khiến dư luận khu vực và thế giới quan tâm.
Darwin – “căn cứ quân sự” mới
Ngày 16/11/2011, Tổng thống Obama và Thủ tướng Australia Julia Gillard tuyên bố Mỹ sẽ đưa khoảng 2.500 quân đến Darwin, thành phố phía bắc của Australia. Theo thỏa thuận quân sự song phương giữa hai nước, quân đội Mỹ sẽ đồn trú tại đây để luân chuyển lực lượng quân sự và dễ dàng tiếp cận biển Đông hơn so với việc đóng quân tại các căn cứ Mỹ ở Nhật và Hàn Quốc.
Tổng thống Obama khẳng định việc Mỹ triển khai quân ở Australia sẽ giúp “đảm bảo cấu trúc an ninh ở châu Á”, giúp Mỹ phản ứng kịp thời với các vấn đề nhân đạo và an ninh khu vực cũng như tăng cường khả năng triển khai lực lượng để hỗ trợ các chiến dịch cứu trợ thảm họa thiên nhiên.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, việc can dự của Mỹ vào biển Đông đã kết hợp song song cả ngoại giao và quân sự.
Một mặt Mỹ lên tiếng ủng hộ và thúc đẩy quốc tế hoá vấn đề biển Đông. Mặt khác Mỹ thông qua các biện pháp như tiến hành viện trợ quân sự, tăng cường đưa quân đến khu vực, tiến hành thăm dò kỹ thuật biển để gia tăng mức độ can dự. Đây là sự thay đổi rất lớn về chiến lược của Mỹ.
Darwin cách eo biển Malacca 3.000km, cách Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc 4.200km, cách biển Đông khoảng 2.500km, cách Indonesia chỉ vài trăm km. Từ đây có thể mở đường biển tiến thẳng tới Đông Á và Ấn Độ Dương, nếu có biến cố, quân Mỹ có thể tiếp cận nhanh.
Trong vài năm tới khi quân đồn trú của Mỹ tại Darwin tăng từ 250 lên thành 2.500 quân, Darwin sẽ được nâng cấp lên thành căn cứ quân sự mạnh. Mặc dù so với số quân đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thì số quân Mỹ đóng lại Australia là rất nhỏ, nhưng ý nghĩa tượng trưng lại rất lớn.
Sự hiện diện của Hải quân tại Biển Đông
Cùng với việc tuyên bố đóng quân tại Australia và kế hoạch gửi tàu chiến đến đóng tại cảng Singapore, đưa máy bay trinh sát biển đến Philippines và Thái Lan cho dù không tuyên bố là đe doạ ai, nhưng là tín hiệu Mỹ cảnh báo và kiềm chế tương đối rõ.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Mỹ và một số nước Đông Nam Á đang thảo luận phát triển quan hệ đối tác chiến lược. Những động thái này của Mỹ cho thấy rõ ý tưởng hải quân Mỹ tăng cường hiện diện tại khu vực nhằm cân bằng lực lượng trong khu vực.
Tham mưu trưởng phụ trách Tác chiến của hải quân Mỹ Jonathan Greenert đã dự kiến lựa chọn Philippines là trọng điểm. Ông cho rằng, hạm đội của hải quân Mỹ muốn xây dựng Philippines thành căn cứ mang tính khu vực. Các chiến hạm tối tân của Mỹ sẽ bố trí tại Singapore nhưng có thể sẽ neo đậu tại Philippines. Đây là một trong những biện pháp mà Mỹ tính đến nhằm tái khẳng định vai trò đối với khu vực này.
“Nhất thể hoá tác chiến hải – không quân”
Việc Mỹ đưa ra quan điểm tác chiến mới “Nhất thể hoá hải - không quân” được coi là biện pháp mới nhất nhằm vào sức mạnh quân sự không ngừng gia tăng của các nước lớn trong khu vực.Sự điều chỉnh này rất có thể khiến cho quan hệ trong khu vực trở nên phức tạp hơn.
Việc thực hiện khái niệm “Nhất thể hoá tác chiến hải - không quân” cho thấy rõ Mỹ đã coi đối thủ không chỉ là các phần tử khủng bố quốc tế mà còn có thể mở rộng ra các lực lượng khác.
Trước đây, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ông Robert Gates đã từng nhấn mạnh, chiến thuật “Nhất thể hoá tác chiến hải - không quân” ban đầu chỉ bao gồm hải quân và không quân, nhưng hiện nay Lầu Năm Góc đang tích cực đưa cả lực lượng lục quân và thành lập Văn phòng 4 quân chủng. Văn phòng ít nhất sẽ gồm nhân sự đến từ các quân chủng Hải quân, Không quân, và Thuỷ quân lục chiến.
Vì thế, những động thái mới trong việc bố trí lực lượng quân sự của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương khiến cho các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách quân sự - quốc phòng các nước trong khu vực và thế giới không thể không quan tâm./.