Việc Hội đồng Bảo an tìm được sự đồng thuận kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Syria được cho là tín hiệu tốt và được dư luận quốc tế quan tâm.
Ngày 21/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với 15 thành viên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc đã nhất trí thông qua một tuyên bố ủng hộ kế hoạch giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài ở Syria của ông Kofi Annan - Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria.
Khách quan và công bằng hơn
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an nói rằng, Syria sẽ phải đối mặt với những bước tiếp theo nếu đề xuất hòa bình gồm 6 điểm của Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Kofi Annan bị từ chối. Đề xuất này kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn, cũng như tiến hành đối thoại chính trị giữa Chính phủ của Tổng thống al-Assad và lực lượng đối lập, đồng thời cho các tổ chức viện trợ nhân đạo vào hoạt động tại Syria.
Động thái trên của Hội đồng Bảo an diễn ra sau khi Nga và Trung Quốc ký ủng hộ văn kiện do phương Tây soạn thảo, theo đó yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt các cuộc xung đột bạo lực, tiến hành đàm phán chính trị và cải thiện vấn đề nhân đạo.
Tuyên bố kêu gọi Chính phủ Syria và các lực lượng chống đối hợp tác với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Syria, cũng như thực thi đầy đủ và ngay lập tức đề xuất ban đầu về giải pháp hòa bình của ông Kofi Annan.
Tuyên bố này là của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tuy sức nặng ít hơn so với một nghị quyết chính thức, song cũng đã thể hiện được quan điểm đồng thuận của các nước, bao gồm cả của Nga và Trung Quốc, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài đã hơn một năm ở Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hoan nghênh và cho rằng: “Văn kiện này không chứa đựng những tối hậu thư, những lời đe dọa, hay quả quyết rằng ai có lỗi”. Nga và Trung Quốc từng phủ quyết hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria, cũng như phản đối bất kỳ hành động cứng rắn nào chống Tổng thống Assad.
Kế hoạch hòa bình do ông Annan đề xuất bao gồm các nội dung chính: chấm dứt bạo lực tại Syria, thực hiện viện trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ.
Giới phân tích cho rằng đây là quyết định mang tính khách quan và công bằng hơn so với các nghị quyết “thiên vị”, “áp đặt”, “tối hậu thư” trước đây đối với Syria.
Phản ứng tích cực của dư luận quốc tế
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21/3 ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an về tình hình Syria, nhiều nước đã hoan nghênh quyết định này.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, tuyên bố trên đã phát đi thông điệp rõ ràng và thống nhất của Hội đồng Bảo an về tình hình Syria, qua đó thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn đối với nỗ lực hòa bình của ông Kofi Annan, đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab (AL) về Syria.
Trước đó, ông Ban Ki-moon đã nhấn mạnh, thế giới phải có trách nhiệm giải quyết tình thế cực kỳ nguy hiểm ở Syria và cuộc khủng hoảng đó đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ khu vực.
Đại sứ thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lý Bảo Đông cũng đánh giá tuyên bố này là bước đi tích cực hướng tới một thỏa thuận chính trị, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ các nỗ lực trung gian của ông Annan và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hòa giải.
Ngoài ra, ông Lý Bảo Đông cũng kêu gọi Chính phủ Syria và các bên liên quan tích cực ủng hộ và phối hợp với văn phòng của ông Annan nhằm chấm dứt ngay bạo lực, thể hiện ý chí chính trị và khởi động đối thoại càng sớm càng tốt.
Trong một diễn biến khác, ngày 21/3 tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Amr, đang ở thăm Trung Quốc, đã kêu gọi kiên định tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, cụ thể là cộng đồng quốc tế nên tôn trọng lựa chọn của người dân Syria và ủng hộ những nỗ lực trung gian hòa giải của Đặc phái viên Kofi Annan.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cảnh báo Tổng thống al-Assad sẽ phải đối mặt với “sức ép và sự cô lập hơn nữa” nếu không thực hiện ngay kế hoạch hòa bình.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra tuyên bố của chủ tịch về Syria cho thấy cộng đồng quốc tế đã đạt được đồng thuận về cách thức chấm dứt xung đột tại Syria sau một thời gian chia rẽ. Bà Hillary cũng cho biết Mỹ đang phối hợp với Liên Hợp Quốc về việc phân phối hàng cứu trợ nhân đạo tới Syria.
Theo hãng AFP, tuyên bố này cũng cảnh báo về “các hành động tiếp theo” đối với Syria nếu nước này không tuân thủ bản kế hoạch hòa bình, theo đó kêu gọi ngừng bắn, đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập, và mở đường cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo đầy đủ. Mặc dù vậy, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Susan Rice cho rằng tuyên bố nói trên chỉ là “bước tiến khiêm tốn” trong việc tìm tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng tại Syria.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, Mark Lyall Grant nhấn mạnh rằng tuyên bố này là sự nhất trí của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bất chấp còn nhiều sự chia rẽ.
Một số nước châu Âu vẫn muốn gây sức ép để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra một nghị quyết đối với Syria. Đặc phái viên Pháp, Gerard Araud cũng coi tuyên bố là một bước tiến nhỏ bé nhưng dù sao “Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã đi đúng hướng”.
Như vậy, sau hơn một năm với những bất đồng, chia rẽ bởi những quan điểm và toan tính lợi ích của các nước và nhóm nước khác nhau, nay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đạt được sự đồng thuận, tuy ở cấp độ thấp nhưng cũng là những tín hiệu vui, tạo những cơ sở thuận lợi cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria, góp phần vãn hồi an ninh khu vực và thế giới./.