Trụ cột mới trong cấu trúc toàn cầu

10:44, 31/03/2012

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện cách đây 11 năm, thuật ngữ BRICS hiện đã không còn xa lạ với thế giới. Mặc dù vậy, cái tên được đặt theo những chữ cái đầu của các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vẫn còn khá non trẻ so với những liên minh như G7 hay G20.

Thế nhưng, vị thế mà Nhóm các quốc gia mới nổi (BRICS) đạt được trong hơn một thập kỷ qua, cũng là thời kỳ thế giới chứng kiến những sóng gió ghê gớm về cả an ninh, chính trị lẫn kinh tế đã khiến BRICS ngày càng khẳng định vai trò về một trụ cột mới, hứa hẹn những đóng góp quan trọng trên nhiều bình diện trong cấu trúc toàn cầu.

 

 Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm vừa khép lại tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ cuối ngày 29-3 với Tuyên bố chung 50 điểm, đề cập không chỉ những biện pháp thắt chặt hợp tác nội khối mà còn cả nguyện vọng thúc đẩy kinh tế thế giới và quan điểm về nhiều vấn đề chính trị nóng như Syria và Iran đã khẳng định rõ vai trò của BRICS. Chủ đề của Hội nghị quy tụ lãnh đạo 5 cường quốc mới khắp 5 châu về đất nước bên bờ Ấn Độ Dương mang tên "BRICS hợp tác vì sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu" đủ cho thấy khối 5 gương mặt kinh tế mới của thế giới muốn có một tiếng nói lớn hơn trong cục diện toàn cầu đang chuyển biến mà phương Tây không còn ở vị trí thống lĩnh tuyệt đối.

 

Có lẽ ngay cả cha đẻ của khái niệm BRICS, Jim O'Neill - một nhà kinh tế Mỹ - cũng khó tưởng tượng những đại diện xuất sắc nhất của thế giới đang phát triển này lại nhanh chóng có được sức mạnh không thể thay thế trong hệ thống quyền lực thế giới hiện đại. Với khoảng thời gian không nhiều, quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngân hàng Goldman Sachs J. O'Neill về sức mạnh của BRICS đã được kiểm chứng rằng những quốc gia này đang trên đường khẳng định vị trí siêu cường thực sự trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Sự bùng nổ của những nền kinh tế giàu tiềm lực và có những thế mạnh riêng đã tạo cho các thành viên BRICS sức đề kháng cao trước nhiều biến cố nghiêm trọng của kinh tế thế giới. Năng động, linh hoạt và ít bị chi phối bởi hệ thống chính sách tiền tệ phương Tây, BRICS thực tế đã nổi lên như một cực quan trọng dẫn dắt kinh tế toàn cầu vào một quỹ đạo mới.

 

Những lợi thế ấy tiếp tục được các lãnh đạo BRICS quyết tâm đẩy mạnh thông qua việc ký kết hai thỏa thuận thúc đẩy giao dịch thương mại nội khối bằng đồng nội tệ của các nước thành viên. Hiện thực hóa đề xuất được đưa ra từ hội nghị năm trước không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền cứng đang chiếm thế độc tôn như USD, euro hay yên Nhật... và hạ thấp chi phí giao dịch thương mại trong khối. Quan trọng hơn, với động thái mới nhất, BRICS đã thể hiện rõ ý chí xây dựng khối thành một liên minh kinh tế độc lập và mang bản sắc riêng. Việc cân nhắc khả năng thành lập một ngân hàng phát triển mới để huy động các nguồn lực cho những dự án thích hợp trong BRICS cũng như đầu tư cho nhiều quốc gia phát triển khác được thống nhất trong cuộc gặp New Dehli thể hiện mong muốn thắt chặt hợp tác hơn nữa vì sự phát triển và phồn thịnh chung của một tập hợp đáng nể mới trên thế giới.

 

Có lý do để tin tưởng những luận điểm được đồng thuận tại hội nghị không hề là những lời kêu gọi mang tính hình thức. Không ít nhà phân tích đã nhiều lần khẳng định sự hợp tác và đoàn kết chứ không phải cạnh tranh và đối đầu sẽ là sợi chỉ đỏ kết nối sức mạnh tiềm tàng của các thành viên BRICS. Sự kết hợp của những tiềm năng đó chắc chắn không chỉ tiếp tục mang đến cho định chế này sức hấp dẫn đặc biệt với các dòng vốn nước ngoài, mà còn giúp BRICS dần hoàn thành sứ mệnh can dự mạnh mẽ hơn vào việc định hình một trật tự kinh tế thế giới mới.

 

Dẫu vậy, hợp tác và thống nhất cũng chính là một vấn đề đáng lưu tâm trong một liên minh có sự tập hợp của các quốc gia cách xa nhau về địa lý và không đồng nhất về đường lối chính trị. Việc có thể tiếp tục vươn lên thành một cực không thể thay thế của thế giới hay không sẽ phụ thuộc không ít vào sự kết hợp nhuần nhuyễn những điểm chung và giảm bớt những khác biệt tất yếu giữa những thành viên BRICS. Chiếm gần 18% GDP, 40% dân số, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ của toàn cầu, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, BRICS sẽ là một thế lực kinh tế hùng mạnh và bước vào danh sách những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Như vậy cũng không có nghĩa rằng con đường phía trước hoàn toàn thuận lợi. Đà tăng trưởng ngoạn mục đang chậm dần đều là thách thức trước mắt mà BRICS cần vượt qua để tránh những cú hạ cánh cứng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nội lực kinh tế còn non trẻ. Song dù thế nào đi nữa, sự xuất hiện của một liên minh mới là câu trả lời thuyết phục rằng cuộc chơi kinh tế - chính trị toàn cầu không còn là của riêng phương Tây và một thế giới hướng đến trật tự đa cực đang ngày càng được khẳng định.