Ai Cập đề nghị cung cấp trở lại khí đốt cho Israel

07:48, 24/04/2012

Ai Cập và Israel sẽ xem xét xây dựng lại một hợp đồng mới đi kèm với các điều kiện và một mức giá cung cấp khí đốt mới.

Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Abul Naga ngày 23/4 nói rằng, Ai Cập sẵn sàng nối lại việc xuất khẩu khí đốt cho Israel sau những căng thẳng vừa qua trong quan hệ giữa hai nước về một hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.

 

Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập dẫn lời ông Naga cho biết, Ai Cập không phản đối việc Ai Cập và Israel xây dựng lại một hợp đồng mới đi kèm với các điều kiện và một mức giá cung cấp khí đốt mới.

 

Ông Naga cũng nói rằng, Ai Cập đã 5 lần lưu ý phía Isael rằng, Israel đã không đáp ứng được các điều kiện tài chính theo hợp đồng năm 2005.

 

Trước đó, Ai Cập tuần trước tuyên bố hủy bỏ hợp đồng cung cấp khí đốt cho Israel và cho rằng Israel đã không đáp ứng được các điều kiện trong hợp đồng được hai bên ký năm 2005.

 

Theo Bộ trưởng Điện lực và Nhiên liệu Ai Cập Hassan Yunis, số khí đốt dự kiến sẽ xuất khẩu tới Israel theo hợp đồng cũ sẽ được cung cấp trở lại cho thị trường trong nước của Ai Cập. Tuyên bố này của Ai Cập đã vấp phải sự phản ứng mạnh từ phía Israel. 

 

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23/4 đã bác bỏ thông tin về tranh chấp khí đốt với Ai Cập liên quan đến chính trị và cho rằng, việc Ai Cập tuyên bố cắt giảm lượng khí đốt tới Israel chỉ là vấn đề tranh chấp thương mại.

 

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh, Israel không xem việc Ai Cập cắt giảm nguồn cung khí đốt tới nước này có liên quan đến những diễn biến chính trị. Đây chỉ là vấn đề thương mại thông thường giữa các công ty của Israel và công ty Ai Cập, không liên quan đến tranh chấp ngoại giao.

 

Tuyên bố này của ông Netanyahu xem ra có phần mâu thuẫn với những thông cáo mà Nội các Israel đưa ra trước đó, cảnh báo, động thái này của Ai Cập có thể đe dọa làm ảnh hướng xấu tới mối quan hệ giữa hai nước.

 

Trong một tuyên bố đưa ra mới đây, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman nói rằng, động thái của Ai Cập có thế xuất phát từ động cơ chính trị trước thời điểm bầu cử Tổng thống sắp tới ở nước này vào ngày 23 - 24/5 tới. Ông Lieberman hy vọng, quan hệ giữa hai nước sẽ trở lại như cũ sau ngày bầu cử.

 

Vào năm 1979, Israel và Ai Cập đã ký kết một thỏa thuận hòa bình lịch sử dù rằng quan hệ giữa hai nước vốn nhiều năm qua vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, đặc biệt là vấn đề an ninh biên giới giữa hai nước.

 

Xuất khẩu năng lượng của Ai Cập tới Israel được xem là điểm sáng giúp duy trì hòa bình giữa hai bên. Tuy nhiên, kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi năm 2011, Israel càng thêm lo lắng về mối quan hệ với Ai Cập./.