Các nước từ chối giám sát vệ tinh Triều Tiên

07:56, 06/04/2012

Triều Tiên mời 8 nước đến giám sát quá trình phóng tên lửa mang theo vệ tinh lên vũ trụ ngày 12-16/4 nhưng Mỹ, Nga, Nhật và phần lớn các nước được mời đều từ chối tham dự

Các nước và khu vực mà Triều Tiên gửi lời mời tham dự gồm Mỹ, Nhật, Nga, Trung Quốc, liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ và Iran.

 

Trong đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JASA), Cơ quan hàng không châu Âu (ESA) và Cục hàng không liên bang Nga đều đã lên tiếng từ chối tới hiện trường vụ phóng tên lửa và vệ tinh.

 

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức Mỹ nói, nhận lời mời tới quan sát vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành vi trái với nghĩa vụ quốc tế đồng thời làm Triều Tiên hiểu nhầm là chương trình phóng tên lửa của họ được ủng hộ.

 

Triều Tiên mời các quan sát viên quốc tế đến quan sát việc phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) để đưa vệ tinh quan sát Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo dưới danh nghĩa của Hội đồng không gian và công nghệ Triều Tiên. Nước này hứa sẽ đưa các chuyên gia tới trung tâm chỉ huy và để họ giám sát toàn bộ quá trình chuẩn bị cho cuộc phóng.

 

Đây dường như là một nỗ lực của Triều Tiên để chứng tỏ sự minh bạch của chương trình nghiên cứu khoa học trong khi các nước đồng loạt phản đối và cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa.

 

Mỹ cùng các nước khác nói bất cứ cuộc phóng tên lửa nào cũng là hành động khiêu khích và vi phạm hiệp ước của Liên Hợp Quốc đồng thời phá vỡ thỏa thuận mới đạt được là Triều Tiên ngừng chương trình làm giàu uranium và dừng các cuộc phóng tên lửa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực của Mỹ.

 

Triều Tiên thể hiện quyết tâm thực hiện vụ phóng tên lửa đến cùng, bất chấp phản ứng của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động này để phục vụ kế hoạch xây dựng một quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng trong năm 2012, chào mừng 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/4 tới.