Căng thẳng “cuộc chiến” đất hiếm

09:02, 01/04/2012

Chỉ hơn chục ngày sau khi gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với cáo buộc Trung Quốc cố tình hạn chế xuất khẩu đất hiếm để tăng giá, vừa qua Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản đã có cuộc họp "tay ba" đầu tiên nhằm tìm giải pháp cho "cuộc chiến" thương mại được dự báo không kém phần phức tạp này.

Một trong những giải pháp quan trọng được các quan chức ba bên đưa ra lần nhóm họp tại Tokyo trong tuần này là đẩy mạnh tái chế các nguyên liệu đất hiếm và phát triển các nguồn thay thế. Giải pháp này hoàn toàn có căn cứ, bởi theo tính toán của nhiều chuyên gia, các sản phẩm điện tử tại các bãi thải ở Nhật Bản hiện có thể chứa tới 300.000 tấn đất hiếm. Thừa nhận nguyên liệu đất hiếm có thể được tìm thấy không chỉ ở Trung Quốc mà còn tại các khu vực khác như Châu Phi, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano nhấn mạnh, thông qua hợp tác công nghệ, Nhật Bản, Mỹ và EU có thể xây dựng một dây chuyền cung cấp mà không cần dựa hoàn toàn vào một quốc gia cụ thể nào. Đây là hướng đi mới khi Trung Quốc - quốc gia hiện kiểm soát tới hơn 90% nguồn cung đất hiếm trên toàn cầu - đã hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.


Đây không phải lần đầu tiên xảy ra tranh cãi về thương mại giữa Mỹ, Nhật Bản và EU với Trung Quốc. Tuy nhiên, "cuộc chiến" đất hiếm dường như ngày càng căng thẳng hơn do tính chất đặc biệt của loại hàng hóa này. Dù chưa rõ nguyên nhân thực sự đằng sau việc Trung Quốc hạn chế khai thác đất hiếm nhưng quyết định này đang khiến nhiều nước gặp không ít khó khăn. Đặc biệt với Nhật Bản, nước nhập khẩu đất hiếm lớn nhất từ Trung Quốc. Cùng với EU và Mỹ, Nhật Bản đã rất bất bình khi cho rằng, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc đã đi ngược lại các quy định của WTO khi tạo cho các công ty Trung Quốc lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thương trường. Cả EU, Mỹ và Nhật Bản hết sức lo ngại khi năm ngoái Bắc Kinh đã đặt hạn ngạch xuất khẩu 33.353 tấn đất hiếm nhưng rồi chỉ xuất khẩu 18.586 tấn. Năm nay hạn ngạch cho loại khoáng sản hiếm này được Trung Quốc rút xuống chỉ còn 30.000 tấn. Với vị thế gần như độc quyền về đất hiếm, Trung Quốc dường như đang làm chủ thị trường nguyên liệu này, với việc đẩy giá xuất khẩu đất hiếm tăng trung bình 300% kể từ năm 2008 đến nay.

 

Bác bỏ cáo buộc của Mỹ và EU, Trung Quốc không ngừng khẳng định đã tuân thủ các nguyên tắc thương mại quốc tế và rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm là cần thiết để bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, bảo vệ môi trường trước các hoạt động khai thác quá mức và đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Cho rằng việc Mỹ, Nhật Bản, EU khiếu nại lên WTO là không công bằng, Trung Quốc nhấn mạnh, nước này chỉ kiểm soát 90% sản lượng toàn cầu, trong khi các nước khác, trong đó có Mỹ, từ lâu đã đóng cửa các mỏ khai thác đất hiếm vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Giải thích cho quyết định trên, Trung Quốc dẫn chứng rằng việc khai thác đất hiếm là một quá trình khó khăn và tốn kém, trong khi các mỏ khai thác và tinh lọc đất hiếm lại tiêu tốn nhiều axít và thải ra môi trường phóng xạ có nồng độ thấp.

 

Là chất không thể thiếu với các ngành công nghiệp công nghệ cao, đất hiếm được xếp vào nhóm 17 thành phần hóa học rất quý để sản xuất xe ô tô tiêu thụ khí hydro, turbin gió, máy vi tính, tên lửa hành trình và bom thông minh... Tuy nhiên, trên thực tế đất hiếm không thực sự quá hiếm khi nó vẫn có thể tìm thấy ở các nước khác. Khó là vì công nghệ khai thác và xử lý thường rất đắt cùng với yếu tố rủi ro cao với khả năng gây tổn hại môi trường là không nhỏ. Vì thế, hầu hết các nước phương Tây lâu nay nhường "sân" khai thác đất hiếm cho Trung Quốc, nơi mà phí nhân công thấp cùng với nhiều lợi thế khác về luật môi trường.

 

Báo cáo của Quốc hội Mỹ khiến các nước nhập khẩu không khỏi quan ngại khi nhu cầu mua các thành phần của đất hiếm trên thế giới có thể tăng lên mức 180.000 tấn/năm vào cuối năm 2012 và lên tới 200.000 tấn/năm vào 2014, trong khi sản lượng của Trung Quốc chỉ có thể đạt 160.000 tấn/năm. Điều này có thể dẫn tới mức thiếu hụt khoảng 40.000 tấn vào năm 2014. Trong bối cảnh "khát" nguồn đất hiếm, "cuộc chiến" thương mại vừa bắt đầu giữa Nhật Bản, Mỹ, EU với Trung Quốc được dự báo sẽ hết sức phức tạp. Theo thông lệ quốc tế, Trung Quốc có 60 ngày để thương thuyết với "bộ ba" WTO, Mỹ và Nhật Bản. Nếu đàm phán không thành, Mỹ sẽ yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phân xử và sự việc sẽ được nâng lên thành một vụ kiện. Vụ kiện có thể kéo dài hai năm nếu Trung Quốc kháng án. Song các nước nhập khẩu vẫn hy vọng WTO sẽ hành động mạnh mẽ buộc Trung Quốc cho phép xuất khẩu đất hiếm nhiều hơn.