Đặc phái viên Kofi Annan: “Kế hoạch này vẫn còn nằm trên bàn và chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện nó”.
Ngày 10/4, Đại diện thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này Susan Rice cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ Syria tuân thủ kế hoạch 6 điểm của Đặc phái viên Annan nhằm chấm dứt hoàn toàn các hoạt động quân sự vào thứ Năm (12/4) tới.
Hội đồng Bảo an đang theo dõi sát diễn biến tại Syria
Trước đó, Damascus đã đồng ý thực hiện Kế hoạch 6 điểm của Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan, trong đó quy định việc rút lực lượng quân đội chính phủ Syria và vũ khí hạng nặng từ các thị xã, thành phố vào ngày 10/4 và thực hiện một lệnh ngừng bắn hoàn toàn trên toàn quốc vào ngày 12/4.
Thời hạn 10/4 đã trôi qua, bà Susan Rice cho biết, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đang tập trung theo dõi việc thực hiện những cam kết của Chính phủ Syria. Theo bà Susan Rice “Hội đồng Bảo an có thể sớm đối mặt với "thời khắc của sự thật" để xem xét có nên tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Bashar al-Asad thông qua một quyết định tập thể hay không”.
"Các nhà lãnh đạo Syria nên nắm lấy cơ hội để tiến hành một sự thay đổi cơ bản. Chấm dứt bạo lực dưới tất cả các hình thức có thể mới chỉ là bước đầu tiên, nhưng rất cần thiết, và nó không nên bị trì hoãn bởi bất kỳ điều kiện nào", bà Rice nhấn mạnh.
Còn quá sớm để nói Kế hoạch 6 điểm thất bại
Thời hạn 10/4 đã qua, tình hình Syria vẫn có những diễn biến không như mong đợi khi các cuộc giao tranh giữa quân đội Syria và phe đối lập vẫn tiếp diễn khiến dư luận không khỏi nghi ngờ sự “chết yểu” của Kế hoạch do Đặc phái viên Annan đưa ra. Tuy nhiên, khác với những nghi ngờ của dư luận, ông Annan vẫn cho rằng: “Còn quá sớm để nói rằng kế hoạch này đã thất bại".
"Kế hoạch này vẫn còn nằm trên bàn và chúng tôi đang nỗ lực để thực hiện. Kế hoạch này đã được sự tán thành của tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an, được sự chấp thuận của chính phủ Syria cũng như của phe đối lập tại nước này. Vì vậy, kế hoạch này vẫn còn giá trị".
Trong một lá thư gửi tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Kofi Annan đã tuyên bố ngày 10/4 là thời hạn chót cho quân đội Syria rút khỏi các khu vực đô thị. Chính phủ Syria phải gửi một tín hiệu chính trị bằng cách chấm dứt hoạt động quân sự trong những ngày tới. Ông Annan cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng triển khai một “cơ chế giám sát quốc tế hiệu quả ở Syria”.
Trong bản Kế hoạch 6 điểm của ông Annan cũng kêu gọi chính quyền Syria rút vũ khí hạng nặng và quân đội ra khỏi các trung tâm dân sự, ngừng giao tranh để tiến hành các hoạt động viện trợ nhân đạo, chữa bệnh cho những người bị thương, cũng như các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và phe đối lập.
Nếu Chính phủ Syria đáp ứng thời hạn chót ngày 10/4, phe đối lập Syria cần ngừng giao tranh 48 giờ sau khi lực lượng chính phủ rút đi. Tất cả các hoạt động giao tranh phải chấm dứt lúc 6 giờ (giờ Damascus) ngày 12/4.
Tìm kiếm sự ủng hộ từ Iran
Trong một nỗ lực để thực hiện Kế hoạch 6 điểm, đêm 10/4, ông Annan đã tới Tehran để thảo luận với các quan chức Iran về cuộc khủng hoảng Syria. Dự kiến trong thời gian ở Iran, ông Annan sẽ hội đàm với một số quan chức Iran trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao Ali-Akbar Salehi.
Iran đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Cuối tháng Ba vừa qua, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Giáo chủ Ali Hosseini Khamenei đã nói rằng, nước ông "sẽ bảo vệ" Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi nói rằng, vẫn có một lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria, nhưng vấn đề Syria cần phải được xử lý một cách "kiên nhẫn".
"Bất kỳ động thái thiếu cân nhắc nào tạo ra khoảng trống quyền lực ở Syria có thể gây hậu quả nghiêm trọng và bất lợi cho toàn bộ khu vực", ông Ali-Akbar Salehi nói.
"Chúng tôi đặt hy vọng vào nhiệm vụ của Đặc phái viên Annan và chúng tôi nghĩ rằng, sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên đoàn Arab (AL) và Liên Hiệp Quốc cho nhiệm vụ của ông ấy có thể giúp giải quyết vấn đề Syria", ông Salehi nói thêm.
Trong khi phương Tây, AL và Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức, Iran và một số nước khác lại đang chống lại động thái như vậy.
Là một đồng minh trong khu vực, Iran đã cung cấp cho Syria sự hỗ trợ kinh tế trong những năm qua để chống lại sự cô lập quốc tế và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với đất nước. Hai nước đã ký một loạt thỏa thuận về hợp tác kinh tế trong một nỗ lực để giúp Syria chống chịu với những áp lực mới./.