Cuộc đối đầu giữa Tehran với các cường quốc phương Tây xoay quanh về vấn đề hạt nhân Iran vừa lóe lên hy vọng mới. Phản ứng tích cực của chính giới và truyền thông Mỹ sau cuộc đàm phán ngày 14-4 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) cho thấy điều đó.
Theo tờ "Bưu điện Washington", tiến bộ đạt được tuy không lớn, song cuộc đàm phán đã tạm đẩy lùi những nguy cơ có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông. Một quan chức cao cấp của Mỹ mô tả không khí đàm phán là "đáng khích lệ" để hai bên có thể mở vòng đàm phán tiếp theo với hy vọng đạt được những tiến triển nhanh chóng và cụ thể hơn...
Ngay sau khi kết thúc cuộc đàm phán, người phát ngôn của bà Catherine Ashton - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU), tuyên bố cuộc gặp giữa Tehran với nhóm P5+1 diễn ra theo chiều hướng tích cực và Iran đã thể hiện một thái độ hoàn toàn khác. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili đã không đưa ra các điều kiện tiên quyết như trong vòng đàm phán hồi đầu năm 2011. Cùng thời gian diễn ra cuộc đàm phán tại Istanbul, Nghị sĩ Quốc hội Iran Parviz Sorouri cho biết, Tehran sẵn sàng xem xét lại quyết định làm giàu urani ở mức 20% tinh khiết nếu phương Tây đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu này cho Iran và bày tỏ tin tưởng các bên sẽ cùng tiếp cận theo chiều hướng đôi bên cùng có lợi nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay.
Dư luận cho rằng, kết quả cuộc đàm phán là bước khởi đầu mới cho một tiến trình đối thoại nghiêm túc và bền vững về cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran. Cả hai bên đều hy vọng các chuyên gia sẽ sớm gặp nhau để thống nhất về một khuôn khổ chi tiết cho cuộc đàm phán tiếp theo, dự kiến tổ chức vào ngày 23-5 tại thủ đô Baghdad (Iraq). Theo giới chức ngoại giao nhóm P5+1, tại vòng đàm phán tới, hai bên sẽ bàn về nguyên tắc của một phương án hợp tác từng bước trên cơ sở có đi có lại. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU C.Ashton nhấn mạnh, các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ tập trung vào việc xây dựng lòng tin. Theo đó, Iran cam kết không bao giờ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc quốc tế dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi hy vọng, các bên sẽ đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng cam kết vì các mục tiêu lâu dài, và quan trọng nhất là phải tái lập lòng tin.
Như vậy có thể thấy, xây dựng lòng tin đang là điều mà các bên liên quan trong đàm phán hướng tới và khi có được điều này, kết quả đạt được sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay để đạt được điều đó không dễ dàng. Phản ứng của Washington cho thấy đây là một thử thách khó vượt. Kết thúc cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh kết quả cuộc đàm phán nhưng vẫn cảnh báo Iran về những biện pháp trừng phạt chưa từng có, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7 tới, trong đó có lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ từ Iran.
Ngày 16-4, phát biểu từ thủ đô Brasilia của Brazil, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nêu rõ, Iran phải tỏ thái độ nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hạt nhân và Washington không dỡ bỏ lệnh trừng phạt để tiếp tục duy trì áp lực với Tehran. Trong khi đó, Tehran đã bày tỏ nguyện vọng nhóm P5+1 sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi diễn ra vòng đàm phán tiếp theo tại thủ đô Baghdad. Đáp lại, ngày 16-4, Ngoại trưởng Ali Akbar Salehi cho biết, không có lý do gì để kéo dài thêm tiến trình trừng phạt và nếu các bên cùng có thiện chí, tiến trình này có thể vượt qua một cách dễ dàng...
Rõ ràng, dù vừa đạt được bước tiến mới nhưng để khai thông những bế tắc tích tụ thời gian qua trong cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây là không đơn giản. Nó đòi hỏi các bên liên quan nỗ lực nhiều hơn nữa mới có cơ biến hy vọng vừa lóe từ Istanbul thành hiện thực.