Khởi đầu từ Hy Lạp, sau hơn hai năm bùng phát, cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách đang lan rộng ở châu Âu, đe dọa làm sụp đổ hàng loạt nền kinh tế và tương lai của đồng ơ-rô. Liên hiệp châu Âu (EU) và các tổ chức tài chính quốc tế phải ra tay giúp đỡ. Nhiều nước thành viên EU phải tiến hành các kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng", song "cơn bão" nợ công dường như vẫn còn nguyên sức tàn phá.
Vì sao Hy Lạp thành "tâm bão"?
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay khởi nguồn từ Hy Lạp vào cuối năm 2009 đầu 2010. Khi đó, Thủ tướng đương thời của Hy Lạp G.Pa-pan-đrê-u thông báo, nợ công nước này đã tăng lên 113% GDP (tương đương 300 tỷ ơ-rô), thâm hụt ngân sách 12,7% GDP, cao gấp bốn lần so mức quy định 3% của EU. Trên thực tế, đây là hậu quả của việc chi tiêu "quá tay" trong nhiều năm qua của A-ten, như các nhà phân tích kinh tế gọi là: Vay nợ, chi tiêu trước và trả nợ sau. Chi tiêu quá đà, nguồn thu ngân sách giảm và không lên kế hoạch trả nợ đã đẩy nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới vào cuộc khủng hoảng nợ công.
Cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát bất ngờ là vì Hy Lạp thực hiện thủ thuật che giấu thực trạng tài chính, nhằm đạt được các chỉ tiêu của EU, như tổng dư nợ quốc gia không vượt quá 60% GDP và thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP. A-ten đã giấu nhẹm nhiều khoản chi tiêu quốc phòng lớn, với lý do "bí mật" nhà nước. Năm 2000, Hy Lạp báo cáo chỉ chi 828 triệu ơ-rô cho lĩnh vực quân sự, nhưng số thực chi là 3,17 tỷ ơ-rô. A-ten thừa nhận đã báo cáo chi cho quốc phòng thấp hơn thực tế tới 8,7 tỷ ơ-rô trong giai đoạn 1997-2003. Sau khoản đầu tư lớn cho Ô-lim-pích A-ten năm 2004, Hy Lạp chỉ còn một ngân sách rỗng, với tỷ lệ bội chi 8%, cao gấp gần ba lần quy định của EU. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng mạnh nền kinh tế Hy Lạp, khiến các ngành vốn là thế mạnh vốn mang lại nhiều ngoại tệ cho A-ten như du lịch và vận tải biển, sụt giảm tới 15% doanh thu. Ðáng lẽ khi nguồn thu cho ngân sách bị co hẹp, Chính phủ Hy Lạp cần thực hiện các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" để cân bằng ngân sách, nhưng A-ten lại tăng chi tiêu công nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng. Trong gần một thập kỷ qua, Hy Lạp liên tiếp bán trái phiếu cho các chủ nợ trong nước và nước ngoài để thu về hàng trăm tỷ USD và đầu tư dàn trải vào cơ sở hạ tầng mà không có kế hoạch trả nợ. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn hai năm của A-ten đã tăng từ 3,47% tháng 1-2010 lên 9,73% tháng 7-2010 và vọt lên 26,65%/năm vào tháng 7-2011. Bất chấp các nỗ lực của Hy Lạp và quốc tế, tình hình kinh tế nước này ngày càng gặp nhiều khó khăn. Nợ công tăng từ 113% GDP cuối năm 2009 lên 160% GDP (tương đương 350 tỷ ơ-rô) năm 2011. Các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế như Fitch, Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) liên tiếp đánh tụt hạng tín dụng của Hy Lạp và hàng loạt ngân hàng của nước này. Thậm chí, tháng 2-2012, S&P đánh giá A-ten vỡ nợ một phần. Tháng 3-2012, Moody’s tuyên bố Hy Lạp rơi vào vỡ nợ.
Xin cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có lẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất của Chính phủ Hy Lạp. Quyết định này cùng với tình trạng kinh tế trì trệ, cắt giảm lương, trợ cấp và tỷ lệ thất nghiệp cao "ngất ngưởng" 12,5% là nguyên nhân của làn sóng biểu tình, bãi công và bạo động quá khích lan tràn ở Hy Lạp. Ðây là bài toán mà Chính phủ Hy Lạp khó tìm lời giải. Người dân "xứ sở các vị thần" cho rằng, ngửa tay nhận cứu trợ từ bên ngoài là mất thể diện quốc gia, khiến Chính phủ Hy Lạp không thể tự chủ tài chính và các chính sách kinh tế. Nội lực không đủ vực dậy nền kinh tế, Hy Lạp trở thành mắt xích yếu nhất của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Nhưng EU không thể để Hy Lạp vỡ nợ bởi điều này sẽ có thể kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và tài chính khu vực, đe dọa tương lai của đồng ơ-rô và gây hiệu ứng dây chuyền lan rộng nhiều nước khác ở châu Âu. Vì vậy, sau nhiều cuộc thương lượng, tháng 5-2010, EU, IMF và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định tung gói cứu trợ tài chính kỳ hạn ba năm trị giá 110 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp. Tháng 10-2010, IMF cho Hy Lạp vay thêm 2,5 tỷ ơ-rô, nâng tổng giá trị các khoản vay khẩn cấp mà IMF dành để ngăn chặn khả năng vỡ nợ của A-ten lên 10,58 tỷ ơ-rô. Từ tháng 5-2010 đến 6-2011, (ECB) đã mua khoảng 45 tỷ ơ-rô trái phiếu Chính phủ Hy Lạp; tăng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nước này từ mức 47 tỷ ơ-rô tháng 1-2010 lên 98 tỷ ơ-rô tháng 5-2011. Tuy nhiên, gói cứu trợ khổng lồ này đã không thể giúp nền kinh tế Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Những mắt xích tiếp theo của cuộc khủng hoảng
"Cơn bão" nợ công Hy Lạp đã lan sang nhiều nước khác ở châu Âu, là nguyên nhân chính khiến chính phủ ở các nước Hy Lạp, Ai-len, Bồ Ðào Nha và I-ta-li-a sụp đổ. Trong số những nước bị "cơn bão" nợ công tràn qua, có cả các nền kinh tế lớn như Pháp, Anh và I-ta-li-a. Với mức nợ công "khổng lồ" lần lượt là 1.900 tỷ ơ-rô, 1.700 tỷ ơ-rô và 1.000 tỷ bảng (1.550 tỷ USD), I-ta-li-a, Pháp và Anh có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công bất cứ lúc nào. Trong đó, tình hình Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai EU, là đáng lo ngại hơn cả. Bởi, trong khi phần lớn chủ nợ của I-ta-li-a là những nhà đầu tư trong nước, Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài. Nếu một trong ba nước nêu trên rơi vào cảnh vỡ nợ, hệ quả của nó sẽ nghiêm trọng gấp nhiều lần Hy Lạp, không chỉ khiến châu Âu lao đao mà còn có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới. Trong đó, các ngân hàng của Pháp lo ngại nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ nhất, bởi họ hiện có khoảng 60 tỷ ơ-rô bị "kẹt" trong khoản nợ 350 tỷ ơ-rô của A-ten. Những khó khăn tài chính đã "quật đổ" Liên minh cầm quyền tại CH Séc và Chính phủ Hà Lan.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P đã hạ bậc xếp hạng của một loạt nước như I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Xlô-vê-ni-a, Xlô-va-ki-a, Man-ta và đưa ra cảnh báo tiêu cực đối với các nền kinh tế Pháp, Anh và Áo. Thậm chí, Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), vốn được thành lập để hỗ trợ các nước thành viên EU trong trường hợp rơi vào khủng hoảng, cũng bị hạ xuống mức "tiêu cực". Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone trong tháng 12-2011 đã tăng lên 10,4%, mức cao nhất kể từ khi đồng ơ-rô "chào đời", trong đó Tây Ban Nha ở mức "đỉnh" 23%, Hy Lạp là 20%, và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới. Theo thống kê, sau hai năm rơi vào khủng hoảng nợ công, số người mất việc làm tại Eurozone tăng lên 16,5 triệu người.
Nền kinh tế Bồ Ðào Nha cũng đã ngấp nghé bờ vực khủng hoảng, với khoản nợ công tương đương 84% GDP, trong đó 70% là nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách 8,6% GDP. Li-xbon đã phải xin cứu trợ tài chính của EU và các thể chế tài chính. Cuộc khủng hoảng nợ công và làn sóng biểu tình, bãi công phản đối các biện pháp "thắt lưng, buộc bụng" là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ Chính phủ của Thủ tướng H.Xô-cra-tét. Lãi suất trái phiếu Chính phủ Bồ Ðào Nha tăng lên mức không bền vững, hơn 7,78% cho kỳ hạn 10 năm, mức cao nhất kể từ khi Li-xbon gia nhập Eurozone. Trong khi đó, Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone, cũng đã bị "cơn bão" nợ công tràn qua, với thâm hụt ngân sách 11,1% GDP năm 2009. Thủ tướng H.Da-pa-tê-rô cũng đã phải rời nhiệm sở trong cuộc bầu cử QH trước thời hạn, do sức ép từ các cuộc biểu tình và bãi công lớn phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ của chính phủ.
Nỗ lực thoát khỏi "bão" nợ công
Chưa bao giờ EU lại tiến hành nhiều hội nghị cấp cao như thời gian vừa qua. Ngoài ra, còn phải kể tới các cuộc gặp cấp cao song phương, ba bên và đa phương trong nội bộ EU và EU với các nước đối tác ngoài khu vực. Trọng tâm của các hội nghị và cuộc gặp này không gì khác là tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công. Nhận thấy quy mô của quỹ EFSF, trị giá 440 tỷ ơ-rô, đã không còn đủ cho mục tiêu cứu trợ các nước thành viên bị rơi vào khủng hoảng, EU quyết định thành lập Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) và đưa ESM hoạt động vào tháng 7 tới. Theo đó, các nước thành viên sẽ đóng góp làm hai đợt ngay trong năm nay, so với dự kiến góp một đợt 80 tỷ ơ-rô mỗi năm trong 5 năm. Ðặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương EU cuối tháng 3 vừa qua, đã thông qua kế hoạch thiết lập một "bức tường lửa" tài chính trị giá 800 tỷ ơ-rô (1.100 tỷ USD) tại khu vực Eurozone. Ngoài ra, Eurozone còn đề xuất kết hợp hai quỹ cứu trợ là Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) có tính tạm thời và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) thường trực trong một năm để có thêm nguồn tài chính sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó, sẽ kết hợp 500 tỷ ơ-rô của ESM với 440 tỷ ơ-rô của EFSF thành khoản cứu trợ tài chính lên tới 940 tỷ ơ-rô. Tuy nhiên, trong trường hợp các "mắt xích" rơi vào vỡ nợ dây chuyền, các quỹ tài chính nói trên cũng chỉ như muối bỏ biển so với các khoản nợ công khổng lồ 1.900 tỷ ơ-rô, 1.700 tỷ ơ-rô và 1.000 tỷ bảng của I-ta-li-a, Pháp và Anh.
Sau rất nhiều bàn cãi, đầu năm 2012, "bộ ba" EU, IMF và ECB tiếp tục dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô, sau khi A-ten đạt thỏa thuận hoán đổi 85% nợ với các chủ nợ tư nhân. Thỏa thuận này đã giúp Hy Lạp cắt giảm 107 tỷ ơ-rô nợ trong tổng số 350 tỷ ơ-rô nợ công. Ðổi lại, Hy Lạp buộc phải tiến hành các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" bất chấp làn sóng phản đối của người lao động trong nước, trong đó có các biện pháp tăng thuế, cắt giảm lương và trợ cấp, tinh giản nhân viên, với mục tiêu giảm mức nợ công xuống 121% GDP vào năm 2020. EU và IMF cũng đã tung gói cứu trợ ba năm trị giá 78 tỷ ơ-rô cho Bồ Ðào Nha, nhằm giúp Li-xbon khỏi rơi vào "cơn bão" nợ công. Trong khi đó, hàng loạt nước khác trong EU như Anh, Pháp, Áo, I-ta-li-a... cũng phải thực hiện chính sách kinh tế "khắc khổ", nhằm tránh vết xe đổ của Ai-len, Hy Lạp và Bồ Ðào Nha.
Việc "bộ ba" EU, IMF và ECB tung hai gói cứu trợ với tổng trị giá 240 tỷ ơ-rô cho Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp nói riêng và cả EU nói chung đã le lói tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu "còn lâu mới kết thúc " và hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế EU đang là "mắt xích" yếu và dễ vỡ nhất thế giới. Các nhà kiến trúc EU buộc phải xem xét lại con đường nhất thể hóa và cải cách cơ cấu về tài chính kinh tế và quản trị. Dù có thoát khỏi khủng hoảng, EU vẫn phải mất thời gian dài để đưa nền kinh tế ổn định trở lại và khôi phục lòng tin của giới đầu tư quốc tế.