Ngày 22-4, nước Pháp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 10 trong nền Đệ ngũ Cộng hòa - một cuộc bầu cử được cho là khó dự đoán kết quả nhất ở quốc gia này.
Mặc dù tình hình thực tế cho thấy đây sẽ là cuộc đua "song mã" giữa 2 ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy của Liên minh Cầm quyền vì phong trào nhân dân (UMP) và đại diện Đảng Xã hội cánh tả (PS) Francois Hollande, nhưng "thế trận" ngang sức ngang tài kéo dài suốt nhiều tháng qua lại cho thấy, cuộc bầu cử sẽ diễn ra với kịch tính đến phút chót.
Theo các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng trước ngày bầu cử, sự ủng hộ dành cho ông N.Sarkozy đã giảm, trong khi ứng cử viên F.Hollande vẫn giữ trọn sự tín nhiệm của cử tri. Tức là, Tổng thống đương nhiệm có thể chỉ nhận được 25,5% số phiếu bầu, kém đối thủ của Đảng PS 4%. Số phiếu dành cho các ứng cử viên còn lại lần lượt là 14-16% với ứng cử viên Mặt trận quốc gia (FN) bà Marine Le Pen, 14% với ông Jean Luc Mélenchon của Mặt trận cánh tả (FG) và 10% dành cho ông Francois Bayrou của Đảng Phong trào dân chủ theo đường lối trung dung. Năm ứng cử viên còn lại có số phiếu thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, khác với những cuộc bầu cử trước, cho đến sát ngày 22-4, số cử tri chưa xác định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào lên tới 23% - từ 6 đến 8 triệu người. Số cử tri này dự báo đủ sức để làm thay đổi cán cân giữa các ứng cử viên và gây những bất ngờ khó lường trước. Có điều, do không có ứng cử viên nào thực sự vượt trội nên khả năng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp phải bước vào vòng 2 ngày 6-5 tới dường như là chắc chắn.
Khác biệt dễ nhận ra nhất tại cuộc bầu cử Pháp hôm nay là lần đầu tiên thế trận phân biệt tả - hữu đã biến mất. Trong 10 ứng cử viên thì có đến 9 người quyết đánh bại nhân vật còn lại - Tổng thống N.Sarkozy. Mặc dù đã huy động tối đa công suất bộ máy tranh cử và tận dụng cả cuộc chiến chống khủng bố ngay trong lòng nước Pháp để phục hồi điểm tín nhiệm, song uy tín của ứng cử viên UMP vẫn không được cải thiện là bao trong con mắt cử tri và nhiều đảng cánh hữu. Điều này không có gì quá khó hiểu nếu chứng kiến những gì nước Pháp đã trải qua trong 5 năm qua.
Đắc cử vào năm 2007 với một cuộc vận động tranh cử đầy ấn tượng với chủ đề "lật qua trang sử mới", song thực tế diễn ra trong "kỷ nguyên Sarkozy" đã không như các cử tri kỳ vọng. Thay vì một nền kinh tế tăng trưởng ổn định cùng những thay đổi về an sinh xã hội được hứa hẹn, nước Pháp hiện đang phải còng lưng cõng khoản nợ công lên tới trên 1.500 tỷ euro (hơn 82% tổng sản phẩm quốc nội). Tỷ lệ thất nghiệp cũng không giảm xuống 5% như Tổng thống N.Sarkozy từng cam kết mà lại tăng lên gấp đôi, trong đó nạn nhân phần đông là giới trẻ. Khẩu hiệu "làm việc nhiều hơn để có thu nhập cao hơn" giúp ông đánh bại ứng cử viên Xã hội Ségolène Royal năm 2007 đang biến thành một đề tài châm biếm trong xã hội Pháp. Hình ảnh khiến người ta nhớ nhiều nhất về nước Pháp trong nhiệm kỳ của ông N.Sarkozy đã được "định vị" là các cuộc biểu tình, bãi công đòi cải thiện tiền lương, an sinh xã hội và việc làm... diễn ra triền miên. Hệ quả là, "siêu tổng thống" một thời phải tái tranh cử trong tư thế một nhà lãnh đạo mất lòng dân nghiêm trọng nhất trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa. Nhận xét về kết quả nhiệm kỳ của Tổng thống N.Sarkozy, ứng cử viên cực hữu FN Marine Le Pen cho rằng, những kết quả kém cỏi của một nhiệm kỳ của ông Sarkozy xứng đáng một "thẻ đỏ". Với bà Marine Le Pen, cuộc chơi trên chính trường Pháp của ông Sarkozy đã kết thúc bởi khả năng trình diễn nghèo nàn của ứng cử viên Đảng UMP.
Như vậy, cơ hội để Tổng thống N.Sarkozy nhận sự ủng hộ của cánh hữu và phe trung dung nếu lọt vào vòng 2 xem ra quá mong manh. Thế đơn độc này sẽ khiến nỗ lực tái đắc cử của đương kim Tổng thống Pháp gian nan gấp bội.