Mối nguy từ khủng hoảng kép

10:12, 30/04/2012

Chưa khi nào chính trường Châu Âu lại phải hứng chịu nhiều sóng gió như trong tuần vừa qua. Ngay từ đầu tuần, hung tin đã ập tới từ xứ sở hoa Tulip khi liên minh cầm quyền Hà Lan tan rã.

Dư âm cuộc ra đi của Thủ tướng Mark Rutte còn chưa kịp nguội thì ngày 27-4, Lục địa già lại phải chứng kiến hai Chính phủ Czech và Romania đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đầy may rủi tại Quốc hội.

 

Nội các của Thủ tướng Romania Mihai Razvan Ungureanu không có được "vận đỏ" như người đồng nghiệp Czech Petr Necas. Với số phiếu bất tín nhiệm lên tới 235, liên minh cầm quyền Romania buộc phải giải tán sau chưa đầy hai tháng thành lập. Như vậy, đây là chính phủ thứ hai của đất nước này sụp đổ kể từ khi khủng hoảng nợ bùng phát vào năm 2009. Để tránh cho Romania phải rơi vào khoảng trống quyền lực, Tổng thống Trajan Besescu đã chỉ định ngay người đứng đầu đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cánh tả Victor Ponta làm Thủ tướng tạm quyền cho tới cuộc bầu cử trước thời hạn diễn ra vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy những bất ổn chính trị ở Romania sẽ dừng lại. Tất cả nguồn cơn đều xuất phát từ kinh tế. Nói một cách chính xác là do khoản vay trị giá 20 tỷ euro từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2009 - thời điểm ngân sách Romania hao hụt với tốc độ chóng mặt. Chính phủ không đủ tiền để trả lương và chế độ hưu cho người dân trong khi nền kinh tế suy giảm 7%. Điều kiện khắt khe từ khoản vay khiến Romania không còn lựa chọn nào khác là phải "thắt lưng buộc bụng". Và như nhiều quốc gia khác trong khu vực từng áp dụng liệu pháp này, bất ổn xã hội bắt đầu nổi lên khi người dân cảm nhận được tác động của gói cắt giảm quy mô lớn qua chi tiêu hằng ngày của họ.

 

May mắn hơn người đồng nhiệm Romania, Chính phủ của Thủ tướng Czech Petr Necas đã một lần nữa "thoát hiểm" qua khe cửa hẹp. Tuy nhiên, dù vượt thoát được cuộc "sát hạch" lần thứ tư với liên minh cầm quyền nước này kể từ khi thành lập vào tháng 7-2010 và là lần thứ hai trong vòng 40 ngày qua, chính quyền của Thủ tướng P.Necas chưa hoàn toàn ra khỏi nguy cơ sụp đổ vì uy tín của liên minh cầm quyền thời gian qua liên tục sụt giảm mạnh khi liên tiếp "dính" phải nhiều vụ bê bối tham nhũng, mâu thuẫn nội bộ bùng phát và đặc biệt là các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân.

 

Trên thực tế, Czech là một trong 7 quốc gia có tỷ lệ nợ công thấp nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với mức 39,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là chỉ bằng một nửa so với mức nợ công trung bình của các nước Liên minh Châu Âu (EU). Thế nhưng, thâm hụt ngân sách của Czech đang có chiều hướng gia tăng. Để tránh "bẫy" nợ công đang rình rập, Chính phủ của Thủ tướng P.Necas buộc phải tung ra một loạt chính sách cắt giảm chi tiêu nhằm giảm mức thâm thủng từ 4,6% GDP (khoảng 7,3 tỷ USD) xuống còn 3,5% GDP trong năm nay và 2,9% GDP năm tiếp theo.

 

Xét một cách công bằng, với mức nợ công không quá cao và thâm thủng ngân sách cũng không quá nghiêm trọng, chính sách thắt chặt hầu bao mà Czech đưa ra không thấm vào đâu so với những quốc gia đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland... Song, cũng như phần lớn các nước thành viên EU khác, ngoài những khó khăn kinh tế, người dân Czech đang phải đối mặt với khủng hoảng niềm tin. Áp lực tài chính trong thời gian dài là nguyên nhân thổi phồng những hoài nghi về những lợi ích có được trong "Ngôi nhà chung" Châu Âu. Vì thế, bất kỳ động thái cải tổ nào của chính phủ, dù có hướng tới mục tiêu ổn định dài hạn, nhưng gây ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội đều có thể phải trả giá cao.

 

Đúng như những gì người ta đã lo ngại, khủng hoảng nợ công đang biến thành khủng hoảng chính trị khi những khó khăn về kinh tế liên tiếp "quật đổ" chính phủ ở hàng loạt quốc gia, từ những mắt xích yếu kém như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha cho tới những nền kinh tế được xếp vào hàng đầu tàu của khu vực như Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha. Nếu tính cả "cú đúp" của Romania, đến nay, đã có 11 chính phủ ở Châu Âu phải ra đi. Một cuộc khủng hoảng kép - chính trị và kinh tế - sẽ càng khiến tương lai của EU và số phận đồng euro thêm khó đoán.