Sudan và Nam Sudan bên bờ vực chiến tranh

15:01, 30/04/2012

Ngày 10/4 vừa qua, quân đội Nam Sudan đã chiếm khu vực Heglig, làm bùng phát căng thẳng biên giới giữa Khartoum và Juba.

Hai nước láng giềng Sudan và Nam Sudan đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khi ngày 29/4, chính quyền Khartoum tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực dọc biên giới hai nước, nhằm áp đặt cấm vận thương mại với Juba và ngừng thực thi hiến pháp.

 

Theo hãng thông tấn Suna của Sudan, Tổng thống Omar al-Bashir đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các tỉnh thuộc bang Nam Kordofan và các bang White Nile và Sennar.

 

Việc trao đổi thương mại tại biên giới hai nước đã bị cấm không chính thức kể từ khi Nam Sudan độc lập vào tháng 7/2011 nhưng sắc lệnh mới ban hành đã chính thức hóa lệnh cấm này.

 

Điều đáng quan tâm hơn, với sắc lệnh mới, Tổng thống Omar al-Bashir và bất kỳ ai được ông ủy quyền có thể thiết lập các tòa án đặc biệt nhằm xét xử các trường hợp tội phạm và "khủng bố" sau khi tham vấn người đứng đầu ngành tư pháp nước này.

 

Sắc lệnh vừa nêu được ban hành sau các cuộc giao tranh kéo dài nhiều tháng trên biên giới giữa Sudan và Nam Sudan. Ngày 10/4 vừa qua, quân đội Nam Sudan đã chiếm khu vực Heglig, làm bùng phát căng thẳng biên giới giữa Khartoum và Juba.

 

Sau 10 ngày giao tranh đẫm máu tại đây, làm hàng trăm binh sĩ hai bên bị thương và thiệt mạng, quân đội Nam Sudan đã rút khỏi Heglig theo lời kêu gọi kiềm chế bạo lực của cộng đồng quốc tế.

 

Một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp khác vẫn đang có hiệu lực trong gần một thập kỷ qua tại Darfur, miền Tây Sudan và quy chế tương tự cũng được áp đặt tại bang Blue Nile từ tháng 9/2011.

 

Mối quan hệ căng thẳng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập của chính phủ hai nước, cuộc sống và kế sinh nhai của người dân dọc biên giới.

 

Ông Ismail Hassan, nghị sỹ Sudan đối lập cho rằng: “Lệnh cấm vận thương mại này cũng sẽ gây tổn hại cho người dân Sudan, nhất là các khu dân cư vốn tham gia vào hoạt động trao đổi thương mại qua biên giới lâu nay”.

 

Trong bối cảnh, Chính phủ Sudan đang phải vật lộn để tìm kiếm các nguồn thu thay thế nguồn thu từ dầu mỏ, kể từ khi Nam Sudan chính thức tách ra thành một quốc gia độc lập, giờ đây với lệnh cấm vận này tình hình có thể còn trở nên khó khăn hơn.

 

Một doanh nhân Sudan bày tỏ: “Tình hình kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn. Giá cả các loại hàng hóa khá cao. Đến thời điểm này, người dân vẫn giữ được bình tĩnh, nhưng tôi cho rằng chính phủ cần có các biện pháp thực sự để chặn đà tăng giá các mặt hàng tiêu dùng”.

 

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Nam Sudan thông báo với Liên Hợp Quốc rằng, nước này sẽ rút lực lượng cảnh sát khỏi khu vực tranh chấp với Sudan. Nam Sudan cũng cam kết sẽ dừng tất cả các hoạt động thù địch với nước láng giềng.

 

Tuy nhiên, với những diễn biến trái chiều hiện nay, nhiều người đang đặt câu hỏi về những nỗ lực kêu gọi chấm dứt đụng độ trên khu vực biên giới giữa Sudan và Nam Sudan của Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Phi, và một số chuyên gia phân tích còn tỏ ra lo ngại về một cuộc chiến tranh đang cận kề./.