Hy Lạp sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 6/5 tới, Thủ tướng Lucas Papademos cho biết hôm qua, 11/4.
Thông báo trên truyền hình của ông được đưa ra sau khi ông gặp gỡ với Tổng thống Karolos Papoulias để đề nghị ông giải tán quốc hội hiện tại.
Ông Papademos cho biết, 5 tháng qua cho thấy, Hy Lạp có thể đưa ra các quyết định khó khăn cần thiết để chống đỡ với cuộc khủng hoảng nợ của nước này và đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Chính phủ mới, một khi được bầu, sẽ có một nhiệm vụ khó khăn hơn ở phía trước, ông nói khi ông kêu gọi mọi người hợp tác cùng nhau.
Theo ông Papademos, việc giải tán quốc hội không có nghĩa là giải tán chính phủ, bởi nhiều quyết định trọng đại phải được đưa ra từ nay tới 6/5.
Theo Hiến pháp Hy Lạp, cần phải có ít nhất một giai đoạn 25 ngày giữa khoảng thời gian giải tán quốc hội tới ngày tiến hành các cuộc bầu cử.
Hy Lạp, vốn được điều hành bởi chính quyền liên minh lâm thời kể từ tháng 11 năm ngoái, đang phải vật lộn với gánh nặng của các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm khoản nợ công lớn.
Thông báo về cuộc bầu cử đột xuất được đưa ra giữa lúc sự ủng hộ suy giảm với cả hai đảng: Đảng dân chủ mới và PASOK -- vốn thống trị nền chính trị Hy Lạp kể từ sau sự sụp đổ của phe quân sự vào năm 1974.
Các cuộc thăm dò cho thấy, 9 đảng hiện tại đáp ứng đủ ngưỡng 3% cần thiết để được vào quốc hội.
Một cuộc thăm dò hồi đầu tuần cho thấy, Đảng dân chủ mới được 18,2% cử tri ủng hộ, Đảng PASOK - đảng áp đảo trong chính phủ liên minh - được 14.2%.
Hồi tháng 10/2009, đảng PASOK đã được 43.9% cử tri ủng hộ trong các cuộc bầu cử quốc hội.
Tháng 6 này, Hy Lạp cần phải biểu quyết thông qua quốc hội các biện pháp cho giai đoạn 2013-2014, trong đó có ít nhất một khoản cắt giảm chi tiêu 11 tỷ euro.
Việc thông qua nhiều biện pháp hơn nữa dường như sẽ khó khăn hơn đối với một quốc hội đang bị chia rẽ sâu sắc, đặc biệt khi có nhiều đảng nhỏ hơn tham gia quốc hội có thể phản đối gói cứu trợ.
Hy Lạp, hiện đang ở trung tâm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, đang phải vật lộn để ngoi lên khỏi mức nợ không thể chống đỡ được và một nền kinh tế suy giảm trong nhiều năm.
Năm ngoái, nước này có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong số các nước EU, tăng từ mức 14.3% hồi tháng 12/2010 lên mức 21% trong năm 2011.