Theo ước tính, có khoảng 1.000 hacker trên mỗi triệu lập trình viên máy tính
Siêu cường thời Chiến tranh Lạnh còn lại là Mỹ hiện đã cảnh giác hơn với quốc gia đang nổi lên mạnh mẽ trong lĩnh vực “không gian mạng máy tính” là Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc có nhiều chuyên gia mạng hơn so với số lượng kỹ sư mà Mỹ có. Trong đó không loại trừ khả năng có bộ phận “chuyên trách” có nhiệm vụ thâm nhập và đánh cắp dữ liệu từ các chính phủ và tập đoàn của các nước phương Tây, lấy đi các bí mật quốc phòng và phá hoại các hệ thống máy tính.
Mỹ và Anh đã nhận ra thực trạng này và hiện đang tìm cách để khôi phục lại vị thế của mình về không gian mạng. Một biện pháp quan trọng để củng cố bí mật quốc phòng là tuyển dụng đội ngũ chuyên gia máy tính để bảo vệ các hệ thống và cơ sở dữ liệu trước các cuộc tấn công của các hacker.
Phần trả đũa của cuộc chơi
Ở Mỹ và Anh, không gian mạng ngày càng chính thức trở thành một lĩnh vực quân sự và các cơ quan chức năng phụ trách đã nhận thấy rằng “trả đũa hiện là một phần của cuộc chơi”.
Báo cáo đánh giá quốc phòng và an ninh năm 2010 của Anh đã coi các mối đe dọa từ không gian mạng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình, bởi Chính phủ Anh coi đó là một mối hiểm họa thực sự đối với an ninh quốc gia.
Nước Mỹ hiện cũng đang chuyển sự chú trọng vào vấn đề này. Mỹ có ý định coi “không gian mạng là một chiến trường quân sự, trong đó để đánh bại kẻ thù sẽ cần phải có sự kết hợp toàn diện giữa các chiến dịch vào không gian tác chiến truyền thống trên không, trên bộ và trên biển”.
Quân đội Mỹ đã có các năng lực tác chiến mạng cơ bản trong thời gian dài, chẳng hạn như thiết bị dành cho các loại tín hiệu ngăn chặn. Tuy nhiên, các loại vũ khí phức tạp hơn ít khi được đề cập đến, và ít khi được sử dụng, một phần vì không có mật mã chính thức. Điều này đã khiến Mỹ không thể triển khai thường xuyên các loại vũ khí mạng hiện đại nhất, kể cả trong chiến dịch ở Libya năm 2011.
Ông Paul Rosenzweig, cựu quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng “Hiện chưa có nhiều khả năng một cuộc chiến trên không gian mạng sẽ sớm xảy ra, nhưng cuộc chiến này có thể sẽ xảy ra như là một phần của cuộc chiến khác”.
Khu vực tư nhân và cơ sở hạ tầng dễ bị tấn công
Mặc dù các cơ quan chính phủ tiếp tục bị tin tặc tấn công, nhưng khu vực tư nhân mới bị thiệt hại nhiều nhất. Việc thất thoát thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, sở hữu trí tuệ và nhiều lĩnh vực khác đã được chính phủ Anh xác định là mối hiểm họa thật sự đối với an ninh quốc gia.
Đối với Mỹ, thiệt hại từ các vụ thất thoát thông tin mạng năm 2011 được đánh giá là vào khoảng 100 tỷ USD. Theo thống kê thì các công ty lớn nhất của Mỹ đã phải mất số tiền tương tự để tăng cường an ninh mạng trong vòng 5 năm qua, tuy nhiên chừng đó vẫn chưa đủ để ngăn chặn các thiệt hại lớn liên quan đến các bí mật quân sự, vũ khí hạt nhân và công nghệ tàu ngầm.
Theo ông Jim Lewis (chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ), Nga và Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động trinh sát cần thiết để lên kế hoạch tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ: “Mỹ cần bảo vệ ở cấp độ cao hơn đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng. Chúng hiện hoàn toàn không được bảo vệ và có thể bị tấn công bất cứ khi nào”.
Trung Quốc có nhiều lập trình viên máy tính hơn số kỹ sư mà phương Tây có. Không phải tất cả đều là tin tặc, nhưng ước tính, có khoảng 1.000 hacker trên mỗi triệu lập trình viên.
Hiện ở Mỹ đang có nhiều quan điểm xung quanh mức độ thiệt hại của một cuộc tấn công mạng máy tính do Trung Quốc gây nên. Theo bà Larry Clinton (Chủ tịch Liên minh An ninh mạng Internet Mỹ), việc đánh sập một trung tâm thông tin hoặc cung ứng năng lượng của Mỹ là điều không dễ, tuy nhiên không thể loại trừ khả năng này có thể xảy ra nếu không cẩn trọng./.