Vụ việc đã khiến Mexico trở thành một trong những quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới đối với các nhà báo.
Thi thể của hai nhiếp ảnh gia Mexico bị chặt làm nhiều mảnh đã được cảnh sát bang Veracruz phát hiện hôm thứ Năm (3/5).
Các phần thi thể của Guillermo Luna và Gabriel Huge được phát hiện bị bỏ trong túi rác dưới một con kênh trong thành phố Boca del Rio, chính quyền bang Veracruz cho biết.
Cảnh sát cũng tìm thấy hai xác chết khác dưới con kênh này, nhưng vẫn chưa xác định được danh tính của người xấu số.
Chính quyền bang cũng cho biết các vụ giết người có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức, liên quan đến các băng nhóm ma túy của Mexico, đồng thời kêu gọi các nhà điều tra liên bang vào cuộc.
Bạo lực có liên quan đến sự tranh giành giữa 2 nhóm Zeta và Cartel nhằm kiểm soát tuyến đường vận chuyển ma túy có giá trị hàng tỷ USD vào khu vực bờ biển Mỹ.
Luna làm việc cho hãng thông tấn Veracruznews, còn Huge làm cho tờ báo Notiver. Các đồng nghiệp của Huge cho biết, thời gian gần đây do liên tục bị đe doạ nên anh này đang tìm cách để rời khỏi Mexico.
Trước đó 5 ngày, cảnh sát cũng đã phát hiện xác của Regina Martinez, bị đánh đập và chết ngạt trong nhà của cô ở thị trấn Xalapa. Cô này làm việc cho tạp chí Proceso, tờ tạp chí có lượng phát hành lớn nhất ở Mexico.
Martinez thường viết về buôn bán ma túy, gần đây cô này đã viết một bài báo về một nhóm cảnh sát có dấu hiệu “bảo kê” cho hoạt động buôn bán ma tuý ở địa phương. Cái chết của cô đã buộc Văn phòng về nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Geneva phải lên tiếng.
Tháng 7/2011, những kẻ tấn công cũng đã giết chết phóng viên kỳ cựu Yolanda Ordaz, người đã làm việc với Huge ở tờ Notiver.
Tổng cộng, hơn 70 nhà báo đã bị sát hại ở Mexico trong thập kỷ qua, theo Ủy ban Nhân quyền quốc gia.
Văn phòng của các toà soạn báo bị tấn công bằng lựu đạn và súng, còn các nhà báo liên tục bị đe dọa, khiến nhiều người trong số họ phải rời bỏ nhà cửa.
Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã mở một cuộc tiến công quy mô lớn trong 5 năm qua nhằm truy quét các băng nhóm ma túy, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt đến bọn tội phạm tấn công nhà báo. Tuy nhiên, cánh phóng viên báo chí nước này vẫn cho rằng, rất ít trong số những vụ giết người được giải quyết thỏa đáng.
Ngày 3/5, hàng chục nhà báo đã tuần hành để phản đối vụ giết người tại thành phố Veracruz. "Chúng tôi đòi hỏi công lý cho Martinez và tất cả các nhà báo khác đã bị giết”, tuyên bố của Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Paris nói. "Bọn tội phạm phải bị trừng phạt".
Năm 2011, Mexico là một trong 3 quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới cho các nhà báo sau Pakistan và Iraq, theo đánh giá của Tổ chức Phóng viên không biên giới./.