Hy Lạp phải bầu cử lại: Bấp bênh số phận đồng euro

09:10, 17/05/2012

Nỗ lực của Tổng thống Hy Lạp Carolos Papoulias nhằm đưa đất nước thoát khỏi bế tắc chính trị giữa vòng xoáy của cuộc khủng hoảng nợ đã không thành.

Đúng như dự đoán, cuộc gặp mặt chiều 15-5 giữa lãnh đạo các đảng có số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội cách đây hai tuần đã không đạt được kết quả nào vì những quan điểm trái ngược về chính sách kinh tế khắc khổ. Sau hai giờ họp bàn căng thẳng, Phủ Tổng thống Hy Lạp đành phải ra thông cáo cho biết, Quốc hội mới được bầu sẽ bị giải tán ngay trong phiên họp đầu tiên, tức là hôm nay (17-5). Trên nguyên tắc, cuộc bầu cử mới sẽ được tiến hành trong vòng một tháng tới, có thể vào ngày 17-6.


Những gì diễn ra tại Hy Lạp đang đẩy đồng euro vào thế bấp bênh hơn bao giờ hết. Những lo lắng về việc Athens sẽ không đạt được các điều kiện của gói giải cứu do Liên minh Châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đặt ra và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán toàn cầu bị nhấn chìm trong sắc đỏ. Tại phố Wall (Mỹ), kết thúc phiên giao dịch ngày 15-5 (sáng 16-5 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 63,35 điểm, tương đương 0,5%, đóng cửa ở mức 12.632 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất 7,69 điểm (0,57%), xuống 1.330,66 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hạ 8,82 điểm (0,30%), còn 2.893,76 điểm. Tại Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,51%, xuống còn 5.437,62 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tụt 0,61%, xuống 3.039,27 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng giảm 0,79%, chốt ở mức 6.401,06 điểm. Diễn biến ở các thị trường chứng khoán Châu Á cũng không khả dĩ hơn. Tâm lý hoang mang bao trùm khiến người gửi tiền đổ xô rút 700 triệu euro (tương đương 900 triệu USD) ra khỏi các ngân hàng địa phương ở Hy Lạp. Đồng euro cũng rớt giá mạnh nhất trong vòng 5 tháng qua, 1 euro chỉ đổi được 1,277 USD. Xu hướng giảm điểm có thể sẽ đẩy đồng euro xuống mức thấp kỷ lục nếu các đảng cánh tả chống biện pháp thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử lại.

Dường như mọi việc đang diễn biến đúng như những gì Giáo sư kinh tế Đại học Princeton (Mỹ) Paul Krugman, người đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2008 dự đoán. Theo vị giáo sư này, Hy Lạp rất có thể sẽ rời Eurozone trong một tháng tới. Điều này có thể dẫn đến sự kết thúc của Eurozone - một tấn bi kịch trong lịch sử hình thành và phát triển của EU. Dù tất cả các quốc gia đều nỗ lực kìm chân Hy Lạp, song không ai dám khẳng định kết quả cuộc bầu cử ở Hy Lạp sắp tới sẽ ra sao và phải mất bao nhiêu thời gian để đàm phán thành lập chính phủ? Trong khi đó, từng động thái phát đi từ Athens có thể tiếp tục gây áp lực lên thị trường các quốc gia trong khu vực và thậm chí cả thế giới. Dù các nhà lãnh đạo Eurozone đã chuẩn bị những kế hoạch để ứng phó với sự ra đi của xứ sở các vị Thần, tuy nhiên không thể bảo đảm chắc chắn liệu các nước còn lại trong khối có thể “yên ổn” sau sự kiện này, đặc biệt là những nền kinh tế đang trong "cơn trọng bệnh" như Bồ Đào Nha, Ireland. Khả năng các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các nền kinh tế yếu kém như đã làm với Hy Lạp là hoàn toàn có thể xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, dù cam kết sẽ đứng cùng một phía để chống lại cuộc khủng hoảng đã bước vào năm thứ 3 liên tiếp trong cuộc gặp đầu tiên, song không khó để nhận ra giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và tân Tổng thống Pháp Francois Hollande vẫn còn khá nhiều quan điểm khác biệt, đặc biệt xung quanh vấn đề thắt chặt chi tiêu trong cơn bão nợ. Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, tháng sáu tới là quãng thời gian mà số phận đồng euro phải trải qua những cuộc thử thách cam go chưa từng có. Ngoài ra, việc Tổng thống F.Hollande có yêu cầu xem xét lại Hiệp ước Tài chính Châu Âu hay không cũng có thể được đưa ra trong các cuộc họp của khối vào tháng này.