Bất chấp tuyên bố mới đây của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên khẳng định nước này không tiến hành thử nghiệm hạt nhân, những đồn đoán về việc Bình Nhưỡng đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ ba trong tương lai không xa vẫn đang là chủ đề "nóng" của khu vực Đông Bắc Á cũng như thế giới.
Dẫn một phân tích các hình ảnh vệ tinh mới được công bố gần đây, báo chí Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đang tăng cường hoạt động tại cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri ở Đông Bắc nước này. Một nguồn tin khác cho rằng, hoạt động nâng cấp bãi phóng tên lửa trên được bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, hiện đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng một bệ phóng và một tòa nhà lắp ráp tên lửa, có thể dùng để lắp ráp các tên lửa cỡ lớn như loại tên lửa đẩy ba tầng Unha-3 được sử dụng để phóng vệ tinh hồi tháng tư vừa qua. Cùng với đó là một cần cẩu đang được xây dựng cách bệ phóng cũ khoảng 1,8km. Cơ sở này được dự đoán có thể đi vào hoạt động vào năm 2016-2017. Căn cứ vào các hình ảnh vệ tinh, giới chức tình báo Hàn Quốc còn cho rằng Triều Tiên đang đào một đường hầm mới dường như để chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân tại bãi thử trên do các đường hầm cũ nhiều khả năng đã bị sập và nhiễm phóng xạ sau các vụ thử trước đó.
Bác bỏ những nghi ngờ trên, Triều Tiên mới đây tuyên bố sẽ buộc phải tiến hành các "biện pháp tự vệ" nếu chính quyền Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt và tăng sức ép nhằm vào nước này. Cho rằng chính quyền Mỹ đang hướng dư luận tới cái gọi là một "vụ thử hạt nhân" nhằm kích động sự đối đầu với Triều Tiên, tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao nước này một lần nữa khẳng định khả năng đáp trả sự thù địch của Mỹ và sẽ mở rộng cũng như tăng cường khả năng răn đe hạt nhân là điều cần thiết chừng nào chính sách thù địch đó còn tồn tại.
Hàng loạt động thái gây căng thẳng của các bên liên quan những ngày qua khiến dư luận không khỏi quan ngại nguy cơ bất ổn có thể tái diễn trên Bán đảo Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng, một vụ thử hạt nhân lần thứ ba được xem là bước đi quan trọng với Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay để lấy lại uy tín sau vụ thử tên lửa tầm xa thất bại hôm 13-4 vừa qua. Triều Tiên cũng có nhiều lý do để tiến hành vụ thử, bất chấp sức ép ngày một lớn từ phía Mỹ nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un từ bỏ tham vọng sở hữu hạt nhân. Tiếp theo hai vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng (tháng 10-2006 và 5-2009) không thành công, có thể Bình Nhưỡng sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba để thuyết phục người dân rằng ông Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo cứng rắn, có khả năng kiểm soát lực lượng vũ trang với 1,2 triệu người, đồng thời củng cố quyền lãnh đạo đối với đất nước.
Giữa lúc cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể có câu trả lời về kế hoạch thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên, một cuộc tập trận chung giữa hải quân Hàn Quốc và Australia vừa được khẳng định sẽ diễn ra tại khu vực bờ biển phía Nam Bán đảo Triều Tiên trong hai ngày 28 và 29-5 tới. Với sự tham gia của khoảng 10 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó có tàu chiến trọng tải 3.759 tấn trang bị tên lửa dẫn đường và tàu Ballarat của Australia cũng như tàu khu trục lớp Aegis, tàu Sejong Đại đế, cuộc tập trận chung đầu tiên giữa lực lượng hải quân hai nước này sẽ tập trung phối hợp trong việc phát hiện, truy tìm dấu vết tàu ngầm và ngư lôi của kẻ thù. Chắc chắn những cuộc tập trận chung như thế này không thể khiến Triều Tiên hài lòng và đây có thể là cái cớ để Bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn.