Việc thúc giục Thượng viện Mỹ thông qua Công ước LHQ về Luật Biển cho thấy chiến lược trở lại châu Á-TBD của Mỹ đã khởi động.
Chính quyền Tổng thống Obama đã bắt đầu thúc giục Thượng viện Mỹ thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Các quan chức Mỹ nói rằng, Công ước này là rất cần thiết để bảo vệ quyền của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động ở ngoài khơi của Trung Quốc.
Phát biểu trước các nghị sỹ và các quan chức của Mỹ tại cuộc họp về Công ước Luật Biển ở thủ đô Washington hôm 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng, đây là thời điểm cần thiết để Mỹ thông qua Công ước đã tồn tại 30 năm nay. Công ước này đã đưa ra những qui định hàng hải và vùng đặc quyền kinh tế.
Theo ông Pannetta, Công ước Luật Biển sẽ đảm bảo rằng các tàu chiến, tàu thương mại và tàu sân bay của Mỹ có thể tiếp cận đến những nơi cần thiết. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, giờ là thời điểm để Mỹ phải khẳng định vai trò như là một người lãnh đạo toàn cầu và ủng hộ Công ước quan trọng này. Đây là công cụ pháp lý quan trọng để củng cố trật tự công cộng trong lĩnh vực biển.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Obama cho rằng, việc thông qua Công ước này sẽ bảo vệ quyền tiến hành các hoạt động của hải quân Mỹ tại các vùng biển gần Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey nói rằng, Washington tin tưởng rằng là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 sẽ giúp hàn gắn những bất đồng quốc tế, giải quyết các xung đột ở mọi cấp. Công ước này đưa ra tiếng nói chung và vì vậy sẽ tạo cơ hội tốt hơn để giải quyết các tranh chấp thông qua con đường hợp tác chứ không phải bằng súng đạn.
Cùng ngày, Hải quân Mỹ tuyên bố, họ sẽ triển khai chiếc tàu chiến đầu tiên trong lớp tàu chiến mới của nước này đến Singapore vào mùa Xuân tới trong thời gian 10 tháng. Chuẩn Đô đốc Thomas Rowden, Giám đốc phụ trách chiến tranh trên mặt nước của Hải quân Mỹ cho biết, con tàu mới mang tên “Tự do” sẽ được đưa vào trực chiến ở Singapore nhằm củng cố sức mạnh chiến đấu của lực lượng Mỹ tại đây. Tàu chiến tuần duyên Tự do có tốc độ hơn 74km/giờ, được thiết kế để chống tàu ngầm, tàu nổi và hoạt động theo phương thức “kết nối và chiến đấu”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mới đây cho biết, Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công ở Biển Đông sau khi Trung Quốc cảnh báo đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ “hành động leo thang” nào của Philippines.
Từ những động thái trên có thể thấy Mỹ đã sẵn sàng can thiệp vũ trang vào biển Đông, không chỉ đơn thuần là thoả thuận đồng minh giúp đỡ nhau với Philippines mà nó đã cho thấy rõ chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đã được khởi động.
Trước đó, Mỹ cũng đã đưa thủy quân lục chiến đến đóng tại Australia và tăng cường hợp tác quân sự với Philippines.
Những việc làm của Mỹ hẳn sẽ khiến Bắc Kinh lo lắng, bởi một khi Mỹ can thiệp vào tình hình Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn không có lợi./.