Nato rút khỏi một cuộc chiến chưa có tiền lệ

17:39, 24/05/2012

Một trong những lý do mà cả Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây dương - Nato đưa quân tham chiến ở Apganixtan là nhân danh chống khủng bố (đất nước này bị coi là nơi sinh ra khủng bố) sau sự kiện 11-9-2001 toà tháp đôi và lầu 5 góc của Mỹ bị tấn công. Đối với Nato, cuộc chiến này chưa có trong tiền lệ.

Thứ nhất, từ 1949 (Hoa Kỳ chủ xướng tất cả có 12 thành viên đồng sáng lập, đến nay có 28 thành viên) Nato thành lập với mục tiêu, chức năng phòng thủ chung khi bị bên ngoài tấn công, chứ không đưa quân tham chiến bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên; Thứ hai là Nato vấp phải một cuộc chiến dường như không trực diện đối kháng với kẻ thù, không rõ thực sự đó là những kẻ đã tấn công nước Mỹ hay không. Cuộc chiến diễn ra trong tình trạng Taliban và các phe phái chống đối Nato chỉ đánh tập kích bất ngờ và đánh bom khủng bố, thậm chí đánh bom liều chết, nghĩa là kẻ thù của Nato luôn ở trong bóng tối, tổ chức chiến đấu bí mật, linh hoạt, cơ động ở mọi nơi, mọi lúc…

 

Sau 11 năm đưa quân vào Apganixtan, Mỹ và Nato đã quyết định rút khỏi đất nước này (thời hạn chậm nhất là năm 2014) trong bối cảnh không thể nói rằng sứ mạng và sự can thiệp quân sự của họ đã hoàn thành được mục tiêu đánh đổ Taliban. Bởi lực lượng Taliban vẫn còn, các phe phái đối nghịch với chính phủ hiện tại vẫn còn, súng vẫn nổ, máu vẫn chảy.  Mỹ và Nato đã có những tổn thất lớn lao, từ khi đưa quân vào đất nước này với nhân danh chống khủng bố, mỗi năm Mỹ chi khoảng 100 tỷ USD cho cuộc chiến, sau 10 năm số tiền lên đến khoảng 1 nghìn tỷ USD. Có thời điểm cao nhất tính cả binh lính đồn trú, binh lính phục vụ, lực lượng dân sự liên quan, Mỹ và đồng minh đã phải huy động đến khoảng 200 nghìn người, hiện nay ở Apganixtan còn khoảng 130 nghìn binh sĩ Nato. Về tổn thất nhân mạng, Mỹ có gần 2 nghìn binh sĩ bị chết, các nước khác có khoảng 1 nghìn binh sĩ bị tử trận.

 

Tại hội nghị Khối Nato mới đây ở Chicago (Mỹ), Tổng thống Ôbama đã cam kết hàng năm Mỹ sẽ cung cấp cho chính quyền Apganixtan khoảng trên 2 tỷ USD và kêu gọi các nước khác trợ giúp thêm khoảng 1,3 tỷ USD, nhằm mục đích cung cấp tài chính cho việc củng cố xây dựng lực lượng quân sự, an ninh và tái thiết đất nước. Tuy nhiên vấn đề mà dư luận quan tâm, lo lắng nhất không phải là nguồn lực tài chính mà là nỗi lo lực lượng Taliban lại có nguy cơ trỗi dậy sau khi Nato rút quân. Mặc dù các hoạt động tấn công chống đối cơ bản đã bị chặn đứng và lực lượng Taliban bị thiệt hại nhiều, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 15 nghìn quân. Người ta lo sợ sau khi Nato rút quân, chính quyền hiện tại không đủ mạnh, Taliban sẽ lại tiếp tục cũng cố, phát triển trở thành lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang thâu tóm quyền lực thống trị đất nước như thời điểm năm 1996.

 

Chế độ Taliban trước đây đã dựng lên một nhà nước phi chính trị, phi văn hoá, phi nhân quyền… với tư tưởng Hồi giáo cựu đoan thống soái như: bắt buộc đàn ông phải để râu dài, không cho phụ nữ đi học, không cho phụ nữ ra đường, cấm phim ảnh, báo chí, không chấp nhận sự tồn tại của các tôn giáo khác… như việc phá bỏ các bức tượng Phật khổng lồ đã có cách đây hàng nghìn năm…